I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Vị trí địa lý:
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và một phần thành phố Hồ Chí Minh, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và một phần tỉnh Đồng Nai. Theo Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 29/12/2013 của Chính phủ, tỉnh Bình Dương có diện tích tự nhiên là 2.694,43 km2 (chiếm khoảng 0,83% diện tích cả nước, khoảng 12% diện tích miền Đông Nam Bộ); dân số 1.802.500 người (Tổng cục Thống kê – tháng 10/2014); 09 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Dĩ An, thị xã Thuận An, thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên và các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo) và 91 đơn vị hành chính cấp xã (48 xã, 41 phường, 02 thị trấn).
Địa hình:
Bình Dương là một tỉnh nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa sườn phía nam của dãy Trường Sơn, nối nam Trường Sơn với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; là tỉnh bình nguyên có địa hình lượn sóng yếu từ cao xuống thấp dần từ 10m đến 15m so với mặt biển. Vị trí trung tâm của Tỉnh ở vào tọa độ địa dư từ 10°-50’-27’’ đến 11°-24’-32’’ vĩ độ bắc và từ 106°-20’ đến 106°25’ kinh độ đông.
Vùng đất Bình Dương tương đối bằng phẳng, thấp dần từ bắc xuống nam. Nhìn tổng quát, Bình Dương có nhiều vùng địa hình khác nhau: vùng địa hình núi thấp có lượn sóng yếu, vùng có địa hình bằng phẳng, vùng thung lũng bãi bồi ... Có một số núi thấp, như núi Châu Thới (huyện Dĩ An), núi Cậu (còn gọi là núi Lấp Vò) ở huyện Dầu Tiếng… và một số đồi thấp.
Các quy luật tự nhiên tác động lên vùng đất này tạo nên nhiều dạng địa mạo khác nhau: có vùng bị bào mòn, có vùng tích tụ (do có sự lắng đọng của các vật liệu xâm thực theo dòng chảy), có vùng vừa bị bào mòn, vừa tích tụ và lắng đọng. Nguyên nhân chủ yếu là do nước mưa và dòng chảy tác động trên mặt đất, cộng với sự tác động của sức gió, nhiệt độ, khí hậu, sự sạt lở và sụp trượt vì trọng lực của nền địa chất. Các sự tác động này diễn ra lâu dài hàng triệu năm.
Đất đai: Đất đai Bình Dương rất đa dạng và phong phú về chủng loại:
+ Đất xám trên phù sa cổ, có diện tích 200.000 ha phân bố trên các huyện Dầu Tiếng, Bến Cát, Thuận An, thị xã Thủ Dầu Một. Loại đất này phù hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp, cây ăn trái.
+ Đất nâu vàng trên phù sa cổ, có khoảng 35.206 ha nằm trên các vùng đồi thấp thoải xuống, thuộc các huyện Tân Uyên, Phú Giáo, khu vực thị xã Thủ Dầu Một, Thuận An và một ít chạy dọc quốc lộ 13. Đất này có thể trồng rau màu, các loại cây ăn trái chịu được hạn như mít, điều.
+ Đất phù sa Glây (đất dốc tụ), chủ yếu là đất dốc tụ trên phù sa cổ, nằm ở phía bắc huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng, Thuận An, Dĩ An; đất thấp mùn Glây có khoảng 7.900 ha nằm rải rác tại những vùng trũng ven sông rạch, suối. Đất này có chua phèn, tính axít vì chất sunphát sắt và alumin của chúng. Loại đất này sau khi được cải tạo có thể trồng lúa, rau và cây ăn trái, v.v...
Khí hậu:
Khí hậu ở Bình Dương cũng như chế độ khí hậu của khu vực miền Đông Nam Bộ: nắng nóng và mưa nhiều, độ ẩm khá cao. Đó là khí hậu nhiệt đới gió mùa ổn định, trong năm phân chia thành hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến cuối tháng 10 dương lịch.
Vào những tháng đầu mùa mưa, thường xuất hiện những cơn mưa rào lớn, rồi sau đó dứt hẳn. Những tháng 7,8,9, thường là những tháng mưa dầm. Có những trận mưa dầm kéo dài 1-2 ngày đêm liên tục. Đặc biệt ở Bình Dương hầu như không có bão, mà chỉ bị ảnh hương những cơn bão gần.
Nhiệt độ trung bình hàng năm ở Bình Dương từ 26°C -27°C. Nhiệt độ cao nhất có lúc lên tới 39,3°C và thấp nhất từ 16°C -17°C (ban đêm) và 18°C vào sáng sớm. Vào mùa nắng, độ ẩm trung bình hàng năm từ 76%-80%, cao nhất là 86% (vào tháng 9) và thấp nhất là 66% (vào tháng 2). Lượng nước mưa trung bình hàng năm từ 1.800-2.000mm. Tại ngã tư Sở Sao của Bình Dương đo được bình quân trong năm lên đến 2.113,3mm.
Thủy văn, sông ngòi:
Chế độ thủy văn của các con sông chảy qua Tỉnh và trong tỉnh Bình Dương thay đổi theo mùa: mùa mưa nước lớn từ tháng 5 đến tháng 11 (dương lịch) và mùa khô (mùa kiệt) từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, tương ứng với 2 mùa mưa nắng. Bình Dương có 3 con sông lớn, nhiều rạch ở các địa bàn ven sông và nhiều suối nhỏ khác.
Sông Đồng Nai là con sông lớn nhất ở miền Đông Nam Bộ, bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng) dài 635 km nhưng chỉ chảy qua địa phận Bình Dương ở Tân Uyên. Sông Đồng Nai có giá trị lớn về cung cấp nước tưới cho nền nông nghiệp, giao thông vận tải đường thủy và cung cấp thủy sản cho nhân dân.
Sông Sài Gòn dài 256 km, bắt nguồn từ vùng đồi cao huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước). Sông Sài Gòn có nhiều chi lưu, phụ lưu, rạch, ngòi và suối. Sông Sài Gòn chảy qua Bình Dương về phía tây, đoạn từ Lái Thiêu lên tới Dầu Tiếng dài 143 km, độ dốc nhỏ nên thuận lợi về giao thông vận tải, về sản xuất nông nghiệp, cung cấp thủy sản. Ở thượng lưu, sông hẹp (20m) uốn khúc quanh co, từ Dầu Tiếng được mở rộng dần đến thị xã Thủ Dầu Một (200m).
Sông Thị Tính là phụ lưu của sông Sài Gòn bắt nguồn tự đồi Cam xe huyện Bình Long (tỉnh Bình Phước) chảy qua Bến Cát, rồi lại đổ vào sông Sài Gòn ở đập Ông Cộ. Sông Sài Gòn, sông Thị Tính mang phù sa bồi đắp cho những cánh đồng ở Bến Cát, thị xã, Thuận An, cùng với những cánh đồng dọc sông Đồng Nai, tạo nên vùng lúa năng suất cao và những vườn cây ăn trái xanh tốt.
Sông Bé dài 360 km, bắt nguồn từ các sông Đắc RơLáp, Đắc Giun, Đắc Huýt thuộc vùng núi tỉnh Đắc Lắk hợp thành từ độ cao 1000 mét. Ở phần hạ lưu, đoạn chảy vào đất Bình Dương dài 80 km. Sông Bé không thuận tiện cho việc giao thông đường thủy do có bờ dốc đứng, lòng sông nhiều đoạn có đá ngầm, lại có nhiều thác ghềnh, tàu thuyền không thể đi lại.
Giao thông:
Bình Dương là một tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy rất quan trọng nối liền giữa các vùng trong và ngoài Tỉnh. Trong hệ thống đường bộ, nổi lên đường quốc lộ 13 – con đường chiến lược cực kỳ quan trọng xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, chạy suốt chiều dài của Tỉnh từ phía nam lên phía bắc, qua tỉnh Bình Phước và nối Vương quốc Campuchia đến biên giới Thái Lan. Đây là con đường có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự và kinh tế.
Đường quốc lộ 14, từ Tây Ninh qua Dầu Tiếng đi Chơn Thành, Đồng Xoài, Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) xuyên suốt vùng Tây Nguyên bao la, là con đường chiến lược quan trọng cả trong chiến tranh cũng như trong thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước. Ngoài ra còn có liên tỉnh lộ 1A từ Thủ Dầu Một đi Phước Long (Bình Phước); Liên tỉnh lộ 13 từ Chơn Thành đi Đồng Phú, Dầu Tiếng; liên tỉnh lộ 16 từ Tân Uyên đi Phước Vĩnh; lộ 14 từ Bến Cát đi Dầu Tiếng ... và hệ thống đường nối thị xã với các thị trấn và điểm dân cư trong Tỉnh.
Về hệ thống giao thông đường thủy, Bình Dương nằm giữa 3 con sông lớn, nhất là sông Sài Gòn. Bình Dương có thể nối với các cảng lớn ở phía nam và giao lưu hàng hóa với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
II. TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
Tài nguyên rừng:
Do đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm và đất đai màu mỡ, nên rừng ở Bình Dương xưa rất đa dạng và phong phú về nhiều chủng loài. Có những khu rừng liền khoảnh, bạt ngàn. Rừng trong Tỉnh có nhiều loại gỗ quý như: căm xe, sao, trắc, gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương ... Rừng Bình Dương còn cung cấp nhiều loại dược liệu làm thuốc chữa bệnh, cây thực phẩm và nhiều loài động vật, trong đó có những loài động vật quý hiếm.
Hiện nay, rừng Bình Dương đã bị thu hẹp khá nhiều do bị bom đạn, chất độc hóa học của Mỹ tàn phá trong chiến tranh. Trong những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt, Mỹ-ngụy đã ủi phá rừng, bứng hết cây cối nhằm tạo thành những “vùng trắng”, đẩy lực lượng cách mạng ra xa căn cứ càng làm cho rừng thêm cạn kiệt. Mặt khác, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, việc khai thác rừng bừa bãi cũng làm cho rừng bị thu hẹp.
Tài nguyên khoáng sản:
Cùng với những giá trị quý giá về tài nguyên rừng, Bình Dương còn là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi chứa đựng nhiều loại khoáng sản phong phú tiềm ẩn dưới lòng đất. Đó chính là cái nôi để các ngành nghề truyền thống ở Bình Dương sớm hình thành như gốm sứ, điêu khắc, mộc, sơn mài ...
Bình Dương có nhiều đất cao lanh, đất sét trắng, đất sét màu, sạn trắng, đá xanh, đá ong nằm rải rác ở nhiều nơi, nhưng tập trung nhất là ở các huyện: Tân Uyên, Thuận An, Dĩ An, thị xã Thủ Dầu Một.
Các nhà chuyên môn đã phát hiện ở vùng Đất Cuốc (huyện Tân Uyên) có một mỏ cao lanh lớn phân bố trên một phạm vi hơn 1km², với trữ lượng lớn. Đất cao lanh ở đây được đánh giá là loại đất tốt, có thể sử dụng trong nghề gốm và làm các chất phụ gia cho việc sản xuất một số sản phẩm công nghiệp...
III. TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN
Tiềm năng kinh tế
Bình Dương đã biến vùng đất thuần nông, khô cằn, kém hiệu quả trở thành những khu, cụm công nghiệp trọng điểm của cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 10.000ha. Trong đó có những khu công nghiệp tiêu biểu cho cả nước về xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại, về tốc độ thu hút đầu tư, quản lý sản xuất và bảo vệ môi trường như VSIP 1, 2, Mỹ Phước, Đồng An, … Nhiều khu đô thị và dân cư mới văn minh, hiện đại được hình thành, trong đó tiêu biểu nhất là thành phố mới Bình Dương với điểm nhấn là Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 20/02/2014.
Tiềm năng du lịch
Không chỉ ấn tượng bởi kinh tế phát triển, năng động, vùng đất Bình Dương xưa và nay còn được biết đến với bề dày lịch sử, văn hóa phát triển rất phong phú, đa dạng, có nhiều nét chung hòa quyện vào lịch sử - văn hóa phương Nam nhưng vẫn giữ được những nét riêng rất độc đáo, tạo ấn tượng khó phai trong lòng mỗi người dân. Tính đến nay, tỉnh Bình Dương có 11 di tích lịch sử, văn hóa được công nhận cấp quốc gia, 39 di tích lịch sử, văn hóa được công nhận cấp tỉnh. Trong tiến trình phát triển vùng đất mang đậm nét văn hoá làng nghề thủ công truyền thống, Bình Dương tạo dấu ấn sâu sắc với các sản phẩm thủ công được chế tác từ những làng nghề nổi tiếng đã định vị trên địa bàn hơn 300 năm. Tiêu biểu nhất trong số đó là những nghề đã có từ rất sớm và phát triển mạnh ở đất Thủ – Bình Dương như: Làng gốm sứ ở Lái Thiêu, Tân Phước Khánh; làng mộc, chạm khắc gỗ ở Chánh Nghĩa, Phú Thọ; làng sơn mài ở Tương Bình Hiệp…
Ngoài ra, đến với Bình Dương, các du khách còn được tham quan các danh lam, thắng cảnh, khu du lịch sinh thái, tham gia các lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm thu hút sự tham gia của hàng ngàn lượt khách thập phương như: Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu (thành phố Thủ Dầu Một), vườn trái cây Lái Thiêu với đặc sản là măng cụt và sầu riêng (thị xã Thuận An), khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn hiến, khu du lịch Núi Cậu – Lòng hồ Dầu Tiếng,…; cùng thưởng thức vị ngon đặc trưng của ẩm thực Bình Dương, thương hiệu Bánh bèo Mỹ Liên (Chợ Búng, phường An Thạnh, thị xã Thuận An) có lịch sử hơn 100 năm, được công nhận là một trong 10 món đặc sản Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á…
Với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, đất và người Bình Dương đã, đang và sẽ tiếp tục tạo được hình ảnh và ấn tượng sâu sắc trong lòng của bạn bè quốc tế. Đó không chỉ là sự ấn tượng bởi kinh tế phát triển, năng động, của một môi trường đầu tư thông thoáng mà còn ở đôi bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo của người Bình Dương đã thể hiện thông qua các sản phẩm thủ công vừa đẹp mắt, vừa tinh tế, chuyển tải trong đó những thông điệp đối ngoại tốt đẹp ra thế giới.
Bình Dương luôn là vùng đất của hội tụ. Thế và lực của Bình Dương hôm nay là kết quả phấn đấu kiên cường, năng động, sáng tạo không ngơi nghỉ của bao lớp cư dân trên vùng đất này qua các thời kỳ lịch sử. Đó là hành trang, là vốn liếng quan trọng để Bình Dương cất cách trong thời kỳ mới – thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.
(Tổng hợp)