I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN:
1. Vị trí địa lý
Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng và phía Đông giáp Biển Đông.
Diện tích tự nhiên 3.358 km², có 7 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố và 6 huyện. Tp. Phan Rang-Tháp Chàm là thành phố thuộc tỉnh, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh, cách Tp. Hồ Chí Minh 350 km, cách sân bay Cam Ranh 60 km, cách Tp. Nha Trang 105 km và cách Tp. Đà Lạt 110 km, thuận tiện cho việc giao lưu phát triển kinh tế-xã hội.
2. Địa hình:
Địa hình Ninh Thuận thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, với 3 dạng địa hình: núi chiếm 63,2%, đồi gò bán sơn địa chiếm 14,4%, đồng bằng ven biển chiếm 22,4% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
3. Khí hậu, thủy văn:
Ninh Thuận có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với đặc trưng khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26-27°C, lượng mưa trung bình 700-800mm ở Phan Rang và tăng dần đến trên 1.100mm ở miền núi, độ ẩm không khí từ 75-77%. Năng lượng bức xạ lớn 160 Kcl/cm². Tổng lượng nhiệt 9.500– 10.000°C. Thời tiết có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11; mùa khô từ tháng 12 đến tháng 9 năm sau.
Nguồn nước ở Ninh Thuận phân bổ không đều, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc và trung tâm tỉnh. Nguồn nước ngầm chỉ bằng 1/3 mức bình quân cả nước.
4. Tài nguyên đất:
Tổng diện tích tự nhiên 3.358 km², trong đó đất dùng vào sản xuất nông nghiệp 69.698 ha; đất lâm nghiệp 185.955 ha; đất nuôi trồng thủy sản 1.825 ha; đất làm muối 1.292 ha; đất chuyên dùng 16.069 ha; đất ở 3.820 ha; đất sông suối và mặt nước chuyên dùng 5.676 ha; còn lại đất chưa sử dụng.
5. Tài nguyên biển:
Bờ biển dài 105 km, ngư trường của tỉnh nằm trong vùng nước trồi có nguồn lợi hải sản phong phú và đa dạng với trên 500 loài hải sản các loại. Ngoài ra, còn có hệ sinh thái san hô phong phú và đa dạng với trên 120 loài và rùa biển đặc biệt quý hiếm chỉ có ở Ninh Thuận. Vùng ven biển có nhiều đầm vịnh phù hợp phát triển du lịch và phát triển nuôi trồng thủy sản và sản xuất tôm giống là một thế mạnh của ngành thủy sản.
6. Tài nguyên khoáng sản:
- Khoáng sản kim loại có Wonfram, Molipđen, thiếc. Titan tại khu vực ven biển với trữ lượng nhiều triệu tấn.
- Khoáng sản phi kim loại có thạch anh tinh thể, đá granite, cát thủy tinh, sét gốm…
- Nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng có đá granite với tổng trữ lượng khoảng 850 triệu m³, cát kết vôi trữ lượng khoảng 1,5 triệu m³; đá vôi san hô tập trung vùng ven biển trữ lượng khoảng 2,5 triệu tấn CaO; sét phụ gia, đá xây dựng.
- Tiềm năng về khoáng bùn mới được phát hiện ở thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, qua kết quả điều tra khảo sát của Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Trung thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, bùn khoáng có chất lượng tốt, không có chứa các chất độc hại, trữ lượng bùn khoáng dự kiến khoảng trên 30.000 tấn, có thể tiếp tục điều tra, thăm dò và khai thác sử dụng vào mục đích phát triển phục vụ loại hình du lịch kết hợp tắm ngâm chữa bệnh.
II/ ĐIỀU KIỆN XÃ HỘI:
1. Dân số và nguồn lao động.
Dân số trung bình năm 2013 có khoảng 587 ngàn người. mật độ dân số trung bình 170 người/km², phân bố không đều, tập trung chủ yếu vùng đồng bằng ven biển. Cộng đồng dân cư gồm 3 dân tộc chính là dân tộc Kinh chiếm 76,5%, dân tộc Chăm chiếm 11,9%, dân tộc Raglai chiếm 10,4%, còn lại là các dân tộc khác.
Dân số trong độ tuổi lao động có 365.700 người, chiếm khoảng 64%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 40%. Cơ cấu lao động hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm 51,99%, công nghiệp xây dựng chiếm 15%, khu vực dịch vụ chiếm 33,01%.
Với nguồn lao động dồi dào trên sẽ đáp ứng nhu cầu lao động cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
2. Giáo dục- đào tạo.
Toàn tỉnh có 308 trường/ 2.721 phòng học phổ thông các cấp học, trong đó có 17 trường THPT/ 415 phòng học, có 27 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 12,1%), có 85 trường mẫu giáo, nhà trẻ /531 phòng học. Hệ thống giáo dục phổ thông và nội trú đã hình thành ở tất cả các huyện, thành phố. Hệ thống các trường đào tạo gồm: Phân hiệu Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận, Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường Chính trị, Trung tâm ĐH2- Đại học Thủy lợi, Trường Trung cấp Nghề, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và dạy nghề các huyện, thành phố có nhiệm vụ nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề cho người lao động.
3. Y tế
Toàn tỉnh có 84 cơ sở y tế khám chữa bệnh với 1.585 giường bệnh, đạt tỷ lệ 27,8 giường bệnh/vạn dân, trong đó: Tuyến tỉnh có 8 cơ sở - 810 giường bệnh, Tuyến huyện, xã có 73 cơ sở - 705 giường bệnh (trong đó 65 trạm y tế xã, phường - 325 giường bệnh). Tổng số y bác sỹ 798 người. Hiện đang đầu tư xây mới bệnh viện tỉnh có quy mô 500 giường bệnh, bệnh viện các huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, quy mô 100 giường bệnh; nâng cấp bệnh viện huyện Ninh Phước, bệnh viện khu vực Ninh Sơn và các phòng khám đa khoa khu vực; xây dựng Trường Trung cấp y tế và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS.
III/ CƠ SỞ HẠ TẦNG
1.Mạng lưới giao thông
Mạng lưới giao thông Ninh Thuận khá thuận lợi, có quốc lộ 1A chạy qua, quốc lộ 27A lên Đà Lạt và Nam Tây Nguyên, quốc lộ 27B chạy qua địa phận huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đến thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, đường sắt Bắc Nam và 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Ngoài ra, sân bay quốc tế Cam Ranh và cảng hàng hóa Ba Ngòi (một trong 10 cảng biển lớn của cả nước) thuộc tỉnh Khánh Hòa khá gần tỉnh Ninh Thuận (phạm vi khoảng 45km đến 60km), là một trong những điều kiện thuận lợi về giao thông để đến với Ninh Thuận.
- Hệ thống cảng biển: gồm có 3 cảng cá: Đông Hải với cầu tàu dài 265m, Cà Ná dài 200m, cảng Ninh Chữ với cầu tàu dài 120m và Bến cá Mỹ Tân, là nơi trú đậu cho 2.000 tàu thuyền đánh cá trong tỉnh và các tỉnh vào trú bão an toàn, có khả năng tiếp nhận tàu có qui mô công suất đến 500CV. Cảng hàng hóa Dốc Hầm – Cà Ná là một trong cảng biển miền Trung được quy hoạch phát triển thành cảng nước sâu, qui mô công suất hàng hóa qua cảng 15 triệu tấn/năm.
2. Thủy lợi
Toàn tỉnh đến nay có 12 hồ chứa với dung tích chứa 137 triệu m³ và 76 đập dâng có khả năng tưới cho 35.150ha, đảm bảo nước tưới cho hơn 42% đất nông nghiệp. Đến năm 2015 tỉnh sẽ tập trung triển khai nhiều công trình thủy lợi lớn như hồ Tân Mỹ, sông Than, sông Biêu với tổng trữ lượng khoảng 350 triệu m³ nước đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.
3. Cấp nước
Hiện tại có 4 hệ thống công trình cấp nước tập trung có qui mô lớn tổng quy mô trên 80 ngàn m³/ngày đêm gồm Nhà máy nước Phan Rang – Tháp Chàm quy mô 52.000m³/ngày đêm, nhà máy nước Cà Ná – Phước Nam qui mô 30.000m³/ngày – đêm, Nhà máy nước Tân Sơn quy mô 1.000m³/ngày, Nhà máy nước Phước Dân quy mô 1.000m³/ngày, cung cấp cho thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Hơn 60 hệ thống cấp nước từ nguồn nước mặt hoặc nước ngầm với quy mô từ 50-500m³/ngày và các công trình nước tự chảy phục vụ cho khoảng 148 ngàn người;
Hiện nay tỷ lệ dân cư thành thị được dùng nước sạch khoảng 90% và nông thôn đạt 79%.
4. Cấp điện
Tỉnh Ninh Thuận được cấp điện từ lưới điện quốc gia 220KV, 110KV với nguồn cấp trực tiếp là nhà máy thủy điện Đa Nhim công suất 160 MW. Ngoài ra còn được sự hỗ trợ của các nguồn điện tại chỗ là thủy điện Sông Pha công suất 7,5MW (5x1,5MW), nhà máy thủy điện Sông Ông công suất 8,1 MW (3x2,7MW).
Hệ thống lưới điện quốc gia đã được đầu tư đến 100% số xã, phường, thị trấn đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và cung cấp điện cho hơn 95% số hộ trong tỉnh. Tỉnh đang triển khai xây dựng tiếp các hệ thống điện cung cấp cho các khu kinh tế trọng điểm của tỉnh.
5. Bưu chính viễn thông
Mạng lưới bưu chính viễn thông của tỉnh đã được đầu tư hiện đại hóa, đảm bảo thông tin liên lạc trong nước và quốc tế; đảm bảo cung cấp các dịch vụ với chi phí phù hợp và đậ tin cậy cao như: mạng lưới dữ liệu thông tin tốc độ cao, hạ tầng mạng lưới băng thông rộng (MAN) cho Thành phố theo mô hình “một hệ thống, đa dịch vụ”.
6. Các dịch vụ hỗ trợ đầu tư khác (ngân hàng – tín dụng, bảo hiểm…)
Ngày càng nâng cao chất lượng, linh hoạt, an toàn và thuận tiện. Hệ thống các ngân hàng thương mại tại tỉnh hiện nay gồm các chi nhánh của các Ngân hàng: Công Thương (Vietibank); Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank); Đầu tư và Phát triển (BIDV); Thương mại CP Ngoại Thương (Vietcombank); Thương mại CP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); Đông Á; Thương mại CP Á Châu (ACB)… Các ngân hàng có khả năng huy động vốn và đáp ứng nhu cầu vốn bằng tiền Việt Nam và ngoại tệ.
IV/ TIỀM NĂNG ĐẦU TƯ
Công nghiệp năng lượng
Ninh Thuận nằm ở vị trí cuối của dãy núi Trường Sơn, được bao bọc bởi 3 dãy núi sát ra biển: phía Bắc và phía Nam là 02 dãy núi chạy sát ra biển, phía Tây là dãy núi cao giáp cao nguyên của tỉnh Lâm Đồng. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,1m/s, ở độ cao 65 m và mật độ giá từ 400-500 W/m2 trở lên, cao nhất trong khu vực phía Nam; tốc độ gió mạnh nhất trong năm từ 18 đến 20 m/s ( ở độ cao 12 m). Toàn tỉnh hiện có 14 vùng gió tiềm năng, khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở ba huyện Ninh Phước,Thuận Nam và Thuận Bắc. Đặc biệt là Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6 m/s, đảm bảo ổn định cho Turbin gió phát điện.
Ngoài ra, Tỉnh Ninh Thuận có độ cao mặt trời lớn, thời gian chiếu sáng dài và đồng đều nên có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng bức xạ mặt trời rất lớn: trên 230 kcal/cm2, trong đó tháng ít nhất cũng 14 kcal/cm2. Số giờ nắng trung bình cả năm trong khoảng 2.600-2.800h, phân bố tương đối điều hòa quanh năm. Trừ những ngày có mưa rào, có thể nói hơn 90% số ngày trong năm có thể sử dụng được năng lượng mặt trời. Số tháng nắng trong năm: 9 tháng/năm (tương đương 200 ngày nắng/năm). Vì vậy, Ninh Thuận được đánh giá là tỉnh có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn nhất trong nước. Với tổng quy mô lắp đặt khoảng 1.500 MW. Trong đó đặc biệt ở khu vực huyện Ninh Phước và Thuận Nam có tiềm năng năng lượng mặt trời rất lớn. Đây là vùng có thể khai thác tiềm năng năng lượng mặt trời có hiệu quả.
Theo quy hoạch phát triển điện Quốc gia giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Ninh Thuận sẽ triển khai đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước, có tổng công suất 8.000 MW, tổng vốn đầu tư 12 tỷ USD, dự kiến khởi công nhà máy thứ nhất vào năm 2014 và đưa vào vận hành thương mại vào năm 2020.
Hiện nay, với nguồn năng lượng hóa thạch, dầu mỏ đang ngày càng khan hiếm đồng thời với việc ô nhiễm môi trường do đốt nhiên liệu gây ra. Các nước có xu hướng đang tòm nguồn năng lượng sạch để thay thế. Cùng với năng lượng điện hạt nhân, nguồn năng lượng tái tạo (gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời) được sử dụng sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phát triển điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo vệ môi trường.
Do vậy, việc khai thác năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời là tiềm năng của Ninh Thuận, đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, mục tiêu hướng đến là xây dựng trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, giải quyết từ 5-8% nhu cầu về điện của Quốc gia vào năm 2020.
Thủy sản
Với bờ biển dài 105 km, ngư trường Ninh Thuận có thể khai thác quanh năm, được xác định là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước với tổng trữ lượng cá, tôm tương đối lớn, khả năng khai thác khoảng 50.000 tấn/năm với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao có thể phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Về nuôi trồng hải sản, vùng biển Ninh Thuận là nơi sinh sống của nhiều loài hải sản đặc thù, có nguồn giống bố mẹ dồi dào và môi trường nước biển trong sạch là địa bàn lý tưởng để sản xuất các loại giống có chất lượng cao, nhất là tôm giống và ốc hương giống.
Sản lượng sản xuất tôm giống của tỉnh nay hơn 10 tỷ con tôm post/năm. Bộ NN&PTNT đã xây dựng Trung tâm sản xuất và kiểm định tôm giống chất lượng cao tại Ninh Thuận. Hiện có nhiều nhà đầu tư đã và đang đến Ninh Thuận để sản xuất tôm giống cung cấp cho khu vực và cả nước như: Công ty XNK Thủy sản Minh Phú đầu tư sản xuất 5 tỷ con post/năm, Trại tôm giống Ninh Thuận đầu tư sản xuất 3,6 tỷ con post/năm, Công ty tôm giống Grobest & IMei đầu tư sản xuất 2,4 tỷ con post/năm, Công ty TNHH Uni-President VN và Công ty TNHH Sinh học Thần Trinh đầu tư sản xuất 1,1 tỷ con post/năm ở An Hải, Công ty Khang Thạnh đầu tư sản xuất ốc hương giống 100 triệu con có quy mô lớn nhất Việt Nam....
Về khai thác, Ninh Thuận sở hữu nhiều thuận lợi để phát triển lĩnh vực khai thác thủy sản đạt hiệu quả cao. Ngư trường Ninh Thuận được xác định là một trong 4 ngư trường lớn của cả nước với nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao và khai thác được quanh năm. Hạ tầng phục vụ khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, trong đó cảng cá Cà Ná đang đầu tư trở thành Trung tâm nghề cá của tỉnh và khu vực, cảng Ninh Chữ được xây dựng thành nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền khu vực miền Trung. Các cảng cá trên đảm bảo thu hút và cung cấp nguyên liệu hải sản cho công nghiệp chế biến xuất khẩu, tiêu dùng trong nước và tạo điều kiện phát triển các dịch vụ.
Công nghiệp chế biến
Phát triển các ngành công nghiệp chế biến mà tỉnh có lợi thế theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng thương hiệu mạnh và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
a) Sản xuất muối công nghiệp và hóa chất từ muối
Ninh Thuận có điều kiện khí hậu đặc thù về nắng nhiều trong năm, ít mưa phù hợp để sản xuất muối công nghiệp có năng suất và chất lượng cao. Năm 2010 diện tích đồng muối gần 4.000 ha, sản lượng hàng năm đạt 450.000 – 500.000 tấn, tập trung ở vùng Quán Thẻ, Phương Cựu, Đầm Vua. Với sản lượng trên đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp hóa chất sau muối và chế biến muối tinh.
b) Chế biến đá Granite
Đá Granitte là loại khoáng sản có trữ lượng lớn, độ nguyên khối và lộ thiên dễ khai thác, thuận lợi về vận chuyển, đạt chuẩn về độ mịn, độ bóng và độ cứng, có nhiều màu sắc đẹp, có thể chế biến thành các sản phẩm phục vụ cho xây dựng trong nước và xuất khẩu. Đây là một lợi thế của tỉnh trong khi nhu cầu thị trường đang rất lớn, tỉnh chủ trương thu hút vốn đầu tư vào khai thác và chế biến đá granitte, xây dựng sản phẩm đá granitte trở thành sản phẩm chủ lực có quy mô lớn.
Du lịch - Dịch vụ
Với lợi thế nằm trong tam giác du lịch trọng điểm Đà Lạt - Nha Trang và Mũi Né (Bình Thuận), Ninh Thuận được xác định là một trong những trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tỉnh có bờ biển dài 105 km có nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng như Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Vĩnh Hy,... thuận lợi cho việc hình thành các khu du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng cao cấp có tính cạnh tranh cao tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế với quy mô diện tích lớn, xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Thuận.
Ninh Thuận đang còn tồn tại nhiều công trình kiến trúc cổ Chămpa và nhiều làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm và làm đồ gốm của người Chămpa con nguyên sơ và độc đáo. Dọc bờ biển từ An Hải đến Mũi Dinh có rất nhiều đồi cát rộng, đẹp sát biển, nổi bật là đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh có quy mô lớn rất phù hợp để phát triển các loại hình du lịch văn hoá, thể thao mạo hiểm, xây dựng trường đua môtô trên cát tạo nét khác biệt, đặc sắc riêng có của Ninh Thuận.
Từ tiềm năng trên, du lịch biển và du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa - lịch sử và dịch vụ phục vụ du lịch được xác định là những lĩnh vực mũi nhọn mà tỉnh tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư trong thời gian tới. Từng bước hình thành các khu du lịch trọng điểm của cả nước và khu vực Đông Nam Á với các loại hình du lịch độc đáo, có chất lượng dịch vụ tốt nhất, sản phẩm du lịch đa dạng; hướng đến xây dựng Ninh Thuận thành một trong những vị trí chiến lược trong mạng lưới du lịch của cả nước và khu vực
Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh 69.698 ha. Với tiềm năng đất có khả năng đưa vào sản xuất nông nghiệp còn lớn và một số công trình thủy lợi lớn sẽ được đầu tư trong giai đoạn đến năm 2015, sản xuất nông nghiệp Ninh Thuận trong những năm sắp đến sẽ tập trung phát triển các cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế cao như: nho, thuốc lá…; xây dựng vùng trồng lúa chuyên canh chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp ngắn ngày, hình thành vùng trồng cây thực phẩm nông sản sạch cung cấp cho thị trường đô thị lớn trong nước.
Phát triển cây cao su ở vùng núi phía Tây của tỉnh thuộc 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái để phát triển vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với chế biến, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chống sa mạc hóa đất, nâng cao độ che phủ rừng và cải thiện đời sống nhân dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát triển cây neem - là cây đặc thù rất thuận lợi với điều kiện khí hậu Ninh Thuận phục vụ cho công nghiệp chế biến phân bón và thuốc trừ sâu sinh học.
Việc Bộ NN&PTNT quyết định đầu tư các trung tâm giống có năng suất, chất lượng cao tại Ninh Thuận như: Trung tâm nghiên cứu các giống cây chịu hạn tại Phước Nam, Dự án sản xuất giống cây trồng tại Sơn Hải huyện Ninh Phước…Đây sẽ là thuận lớn cho việc phát triển ngành trồng trọt của tỉnh .
b. Chăn nuôi
Hơn 2/3 diện tích tự nhiên là đồi núi; diện tích đất trống, đồi trọc chưa sử dụng vẫn còn…là thuận lợi cơ bản để Ninh Thuận phát triển mạnh ngành chăn nuôi vốn là thế mạnh của tỉnh với các loại vật nuôi đặc thù như bò, dê, cừu.
Việc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi đặc thù mà tỉnh có lợi thế và chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp như cây neem, thuốc lá, nho... và thịt gia súc, gia cầm đang là lĩnh vực tỉnh khuyến khích và kêu gọi đầu tư.
c. Lâm nghiệp
Diện tích đất có rừng gần 185.955 ha, độ che phủ của rừng đạt hơn 43,6%, tổng trữ lượng 11 triệu m³ gỗ và 2,5 triệu cây tre nứa, trong đó rừng sản xuất 27.911 ha, trữ lượng 4,5 triệu m³, rừng phòng hộ đầu nguồn 115,99 ngàn ha trữ lượng 5,5 triệu m³.
Rừng của Ninh Thuận là một thế mạnh có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và cải tạo môi trường sinh thái.
Công nghiệp nước khoáng
Ninh Thuận có 2 mỏ nước khoáng (mỏ Tân Mỹ - huyện Ninh Sơn và Nhị Hà - huyện Ninh Phước) có quy mô lớn, chất lượng đạt tiêu chuẩn. Nước có độ nóng cao, thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất nước khoáng đóng chai, kết hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tắm nước khoáng nóng, tắm bùn.
Công nghiệp chế biến nông, lâm sản
Ninh Thuận với đặc điểm khí hậu nắng nóng quanh năm, thuận lợi cho việc phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù có năng suất, chất lượng cao với quy mô, diện tích lớn và sản xuất được quanh năm. Sản lượng nho tươi hàng năm ổn định từ 60.000 – 65.000 tấn, có thể dùng cho chế biến rượu nho, chế biến nho khô.... Riêng các sản phẩm khác như mía, neem, bông hạt, thịt gia súc (bò, dê, cừu), gia cầm... có sản lượng lớn, quy mô diện tích sẽ tiếp tục được mở rộng cùng với việc đầu tư hệ thống thuỷ lợi, đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
Việc đầu tư chế biến các sản phẩm từ nho, cây neem, các nông sản khác và thịt gia súc gia cầm đang là lĩnh vực tỉnh khuyến khích kêu gọi đầu tư.
(Tổng hợp)