I. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội tỉnh Quảng Bình.
Quảng Bình là một tỉnh miền Trung Việt Nam, cách Hà Nội 500 km về phía Bắc và cách thành phố Hồ Chí Minh 1.200 km về phía Nam, phía Tây giáp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào (với 201 km đường biên giới), phía Đông giáp Biển Đông (với 116 km bờ biển); có Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo thông thương với Lào và Thái Lan.
Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là: 8.065 km²; Dân số hơn 860.000 người; lao động có trên 500.000 người.
Quảng Bình nằm trên trục hành lang phát triển kinh tế Đông Tây từ biển Đông Việt Nam với Lào, Đông Bắc Thái Lan và các nước thuộc khu vực Trung -Nam Châu Á, có lợi thế trong chiến lược phát triển trục hành lang kinh tế Đông - Tây. Với vị trí địa kinh tế là cửa ngõ phía Đông của cả vùng Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanma, Quảng Bình rất có lợi thế trong xuất khẩu hàng hóa với các đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); kết nối thị trường trong nước với khu vực và thế giới.
Quảng Bình là nơi giao thoa giữa 2 miền Nam - Bắc Việt Nam với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khá đồng bộ, có sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt, đường sông. Sân bay Đồng Hới có các chuyến bay đến Hà Nội (1 giờ bay) và TP. HCM (1 giờ 20 phút bay). Năm 2014, sân bay Đồng Hới sẽ mở đường bay quốc tế Đồng Hới - Đài Bắc (Đài Loan). Hệ thống giao thông đường bộ thuận tiện (Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam) chạy dọc theo chiều dài của tỉnh. Có Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, có Cảng biển nước sâu Hòn La có thể đón tàu 3-5 vạn tấn ra, vào.
Đi theo chiều ngang của tỉnh có Quốc lộ 12A nối biển Đông qua Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo với Lào, từ cảng biển Hòn La, qua của khẩu quốc tế Cha Lo, qua cầu Hữu nghị 3 qua sông Mê Kông nối với Thái Lan, Myanmar và các nước Nam Á chỉ với khoảng 350 km, đây là con đường ngắn nhất nối biển Đông Việt Nam với các nước Trung Á. Nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây, Quảng Bình sẽ trở thành tỉnh có đầu mối quan trọng thông thương ra khu vực và thế giới về giao lưu buôn bán, hợp tác phát triển và là cửa ngõ kinh tế phía Đông của cả vùng Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanma - một vùng có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển.
Ga Tân Ấp thuộc tỉnh Quảng Bình sẽ là ga trung chuyển nối với đường sắt quốc tế qua các các nước Lào, Thái Lan...
II. Tiềm năng và lợi thế của tỉnh Quảng Bình
1.Về phát triển du lịch:
Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi, có rừng, có biển, có sông và nhiều cảnh quan rất đẹp, với chiều dài dọc bờ biển là 116 km có nhiều bãi tắm đẹp như: Vũng Chùa - Đảo Yến (nơi yên nghỉ của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp), Đá Nhảy, biển Nhật Lệ, biển Hải Ninh... có điều kiện thuận lợi để xây dựng các tổ hợp nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế. Vùng ven biển có nhiều di tích lịch sử văn hóa như: Đèo Ngang, đèo Lý Hòa, cửa biển Nhật Lệ với quần thể di tích và danh thắng của thành phố Đông Hới….. Đặc biệt, Quảng Bình có Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, có giá trị nổi bật nhất về địa chất, địa mạo đá vôi phức tạp ở khu vực Đông Nam Á với những hang động đẹp nổi tiếng như: động Phong Nha, động Thiên Đường và động Sơn Đoòng – hang động lớn nhất Thế giới (được tạp chí Business Insider xếp vào danh sách 12 hang động kỳ vĩ nhất thế giới); nơi chứa đựng các giá trị nổi bật toàn cầu về tính đa dạng sinh học, tính đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên. Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng có hệ thống hang động kỳ vĩ được mệnh danh là "Vương quốc hang động" nơi tiềm ẩn nhiều điều mới lạ và hấp dẫn như động Phong Nha, hang Tiên Sơn, Hang Tối, Hang E, Hang Vòm, hang Thung..., trong đó có động Phong Nha thực sự nổi bật với chiều dài khảo sát gần 8 km, chủ yếu là sông ngầm và được đánh giá là một trong những cảnh quan đẹp nhất với các đặc trưng: có sông ngầm đẹp nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, có hồ nước ngầm đẹp nhất, có hang khô rộng và đẹp nhất, có hệ thống thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất, là hang nước dài nhất. Đây là tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch của tỉnh Quảng Bình. Ngoài ra, Quảng Bình còn có suối nước khoáng Bang có nhiệt độ sôi tự nhiên lên đến 105°C, chất lượng khoáng tốt, có thể sản xuất nước giải khát cao cấp và chữa bệnh; với địa thế đẹp có thể xây dựng vùng này trở thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và chữa bệnh rất tốt.
Quảng Bình là vùng đất giao thoa văn hoá 2 miền Bắc - Nam, trong lịch sử hình thành, đấu tranh dựng nước và giữ nước còn lưu giữ được nhiều di tích văn hoá lịch sử, những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể rất thuận lợi để kết hợp phát triển nhiều loại hình du lịch. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, trong quá trình đấu tranh và xây dựng, nhân dân Quảng Bình đã góp phần hun đúc và đắp xây nên truyền thống kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất. Nơi đây đã sản sinh ra biết bao nhiêu người con nổi tiếng mà cuộc đời và sự nghiệp của họ đã góp phần làm thay đổi diện mạo lịch sử của đất nước, như: Lễ Thành Hầu Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh - người đi mở cõi phía Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều người con ưu tú khác. Gắn liền với 2 cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, Quảng Bình có nhiều di tích lịch sử cách mạng đường Hồ Chí Minh có giá trị đặc biệt cả về tâm linh và danh thắng thu hút được khách du lịch như Đường Trường Sơn huyền thoại, Cổng Trời, Khe Gát, hang Tám Cô, phà Xuân Sơn, Long Đại, Quán Hàu, ngã tư Thạch Bàn - Bang.... Vừa qua, chuyên mục du lịch của tờ The New York Times (Mỹ) đã bình chọn Quảng Bình, Việt Nam đứng thứ 8, trong top 52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới và là điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á năm 2014, đây là một ghi nhận đáng khích lệ đối với phát triển du lịch Quảng Bình trong thời gian tới.
Với những điểm và quần thể du lịch biển và ven biển, khu vực Phong Nha- Kẻ Bàng, suối Bang có thể kết nối khai thác để phát triển du lịch rất hiệu quả, đưa đến cho du khách những trãi nghiệm bất ngờ, có thể thể biến tiềm năng thành hiện thực.
2. Về tài nguyên rừng, đất rừng:
Với hơn 632.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm 78,5% đất tự nhiên; trong đó: có hơn 310.000 ha rừng sản xuất; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 70%. Quảng Bình được đánh giá là một trong những tỉnh còn có trữ lượng rừng lớn nhất Việt Nam (với trữ lượng gỗ khoảng 32,3 triệu m³, trong đó: trữ lượng gỗ rừng kinh tế 14,85 triệu m³). Quảng Bình có lợi thế về trồng rừng sản xuất và chế biến gỗ (diện tích đất trống để trồng rừng còn hơn 16.000 ha).
3. Về khai thác, chế biến vật liệu xây dựng, năng lượng điện
Quảng Bình có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú và đa dạng. Đặc biệt có trữ lượng đá vôi (khoảng 5,4 tỷ tấn) và cát thạch anh trắng (30 triệu m³), đây là tiềm năng mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Quảng Bình cũng là nơi có tiềm năng phát triển về năng lượng điện bao gồm nhiệt điện và phong điện: ngoài mạng lưới điện quốc gia, Quảng Bình được Chính phủ đưa vào quy hoạch để đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện công suất 2.400 - 3.000 MW tại Khu kinh tế Hòn La (đang triển khai xây dựng nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1.200MW).
Nguồn năng lượng tái tạo Quảng Bình có tiềm năng phát triển là: phong điện và địa nhiệt điện. Theo khảo sát sơ bộ và dự kiến quy hoạch dọc bờ biển Quảng Bình có thể xây dựng hệ thống phong điện với tổng công suất từ 600 – 1.000 MW.
4. Về tiềm năng thủy hải sản:
Nguồn lợi thủy, hải sản khá lớn (30.000 tấn/năm) chưa tính sản lượng thủy sản nuôi trồng, là điều kiện tốt để các nhà đầu tư xây dựng cơ sở nuôi trồng và nhà máy chế biến các sản phẩm từ thủy, hải sản.
5. Về nguồn nhân lực:
Nguồn nhân lực của tỉnh khá dồi dào, lao động trong độ tuổi chiếm 64,47% tổng dân số (dân số hơn 860.000 người); trong đó lao động nữ chiếm (47,7%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 50% trong đó số đó qua đào tạo nghề là 27%. Điểm mạnh của nguồn nhân lực Quảng Bình là thông minh, cần cù, chịu khó, ham học hỏi và cầu tiến bộ. Hiện tại tỉnh có 1 trường Đại học với qui mô đào tạo 2.050 sinh viên/năm, ngoài ra còn có nhiều cơ sở đào tạo nghề và trung học chuyên nghiệp (3 trường trung học chuyên nghiệp; 2 trường Trung cấp nghề , các trung tâm dạy nghề của các đơn vị như: Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên..., và 6 Trung tâm dạy nghề cấp huyện), hàng năm đào tạo được khoảng 11-12 ngàn lao động thuộc nhiều ngành nghề khác nhau.
6. Về cơ sở hạ tầng
- Mạng lưới viễn thông, thông tin liên lạc thông suốt trong nước và quốc tế, mạng điện thoại di động đã phủ sóng toàn tỉnh.
- Hệ thống điện lưới quốc gia 220KV và 110KV đồng bộ đảm bảo cung ứng năng lượng cho các KCN và đô thị.
- Hệ thống cấp nước sinh hoạt theo tiêu chuẩn quốc gia được lắp đặt tới hàng rào các dự án và các KCN
- Hệ thống ngân hàng đáp ứng mọi quan hệ giao dịch và nhu cầu thanh toán. Các hoạt động ngoại hối, giao dịch ngoại tệ, thanh toán quốc tế không ngừng phát triển và mở rộng.
- Cơ sở hạ tầng thương mại và du lịch được tập trung đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng bao gồm hạ tầng khu du lịch: Phong Nha- Kẻ Bàng, Vũng Chùa- Đảo Yến; Mỹ Cảnh- Bảo Ninh…; hệ thống khách sạn 3-4 sao như: Sunspa Resort, Sài Gòn- Quảng Bình; Tân Bình…
- Y tế: Trên địa bàn có 01 bệnh viện hạng I do Bộ Y tế quản lý với quy mô trên 500 giường bệnh và hệ thống các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, khu vực có quy mô từ 100-150 giường trở lên. Hệ thống trạm y tế phủ kín các xã, phường, thị trấn đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe, khám và chữa bệnh kịp thời.
(Nguồn: nhipcauviet.com.vn)