Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ giống với năm 2020, thí sinh thi trên giấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cung cấp đề thi cho địa phương.
Tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực chiều 23/9, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định qua 6 năm thực hiện, lộ trình đổi mới kỳ thi THPT quốc gia (năm 2020 là kỳ thi tốt nghiệp THPT) đã hoàn thành. Việc tổ chức kỳ thi sau năm 2020 cơ bản ổn định.
Quan điểm trên được Bộ trưởng Nhạ đưa ra sau khi tiếp thu ý kiến các thành viên hội đồng. Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho rằng việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết bởi nếu không, học sinh không có động lực học tập và thầy cô cũng sẽ không nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học. "Kết quả của mỗi kỳ thi không chỉ thể hiện qua điểm số mà bản thân thầy cô, học sinh cũng rèn luyện kỹ năng, ý chí. Mỗi giáo viên, học sinh đều có nhu cầu được đánh giá đúng năng lực", cô Nhiếp nói.
Trước nhiều ý kiến trên 90% học sinh công nhận tốt nghiệp thì không cần tổ chức kỳ thi, PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM, cho rằng quan điểm trên không đúng. Nếu không thi các em sẽ không học, không chuẩn bị được đầy đủ kiến thức để học ở bậc cao hơn. "Kỳ thi nên được tiếp tục tổ chức như năm nay với một số điều chỉnh kỹ thuật", ông Dũng nói.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được quy định trong Luật Giáo dục nhằm đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên cả nước. Nhìn lại kỳ thi THPT năm nay, dù tỷ lệ đỗ trên 90%, từng môn học cụ thể như Lịch sử hay Tiếng Anh cũng đặt ra những vấn đề cần tiếp tục xử lý.
Vì vậy, ông Thắng cho rằng cần giữ ổn định kỳ thi, tránh việc tạo áp lực thay đổi đối với xã hội. "Kỳ thi phải đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng; không gây áp lực cho thí sinh, tốn kém cho xã hội; đánh giá được chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông", ông Thắng nói.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có báo cáo Chính phủ về 6 năm thực hiện đổi mới thi. Bộ cần tập trung xây dựng ngân hàng đề thi ngày càng phong phú, có lộ trình công khai để thí sinh học, ôn luyện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, có lộ trình tiến tới thi qua máy càng nhiều càng tốt, thi nhiều đợt trong năm, thi qua các trung tâm khảo thí độc lập, thi tại trường.
Với việc kỳ thi năm 2021 giữ ổn định như năm 2020, thí sinh có thể yên tâm về các bài thi và nội dung kiến thức. Trong đó, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Các bài thi gồm ba bài độc lập (Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ); một trong hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh THPT và Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh Giáo dục thường xuyên).
Thí sinh vẫn làm bài trên giấy, tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tính toán lộ trình để từng bước triển khai thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện. Bộ sẽ ban hành quy chế, hướng dẫn, xây dựng, cung cấp đề thi cho địa phương, bảo đảm sự thống nhất trong đánh giá trên toàn quốc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất sẽ chỉ sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không kết hợp sử dụng kết quả học tập lớp 12 của thí sinh như trước đây. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được quyết định sau năm 2021.
Về tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sẽ thực hiện quyền tự chủ. Các trường đại học tiếp tục sử dụng các phương thức: tuyển thẳng theo các điều kiện được quy định, xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, từ kết quả học tập THPT (điểm học bạ), từ điểm thi do các trung tâm khảo thí có uy tín được Bộ công nhận hoặc do tổ chức khảo thí uy tín của nước ngoài đánh giá và kết hợp giữa các phương thức trên.