Bà Astrid Schomaker – Giám đốc chiến lược Tổng cục Môi trường của Hội đồng châu Âu, Trưởng đoàn đàm phán của EU cho biết: “Việt Nam đang xuất khẩu lượng lớn gỗ sang EU nhưng chúng tôi vẫn chưa chắc chắn lắm về nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm. Khi sản phẩm được cấp giấy phép FLEGT, chúng tôi sẽ yên tâm hơn về nguồn gốc gỗ hợp pháp”.
Ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo tới năm 2018 các lô hàng gỗ, lâm sản đầu tiên của Việt Nam sẽ được cấp chứng chỉ FLEGT
Chiều 13/4, ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ trì buổi họp báo công bố kết quả Phiên đàm phán cấp cao lần thứ 6 giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, Quản trị và Thương mại lâm sản (FLEGT-VPA).
Ông Hà Công Tuấn cho biết, phiên đàm phán cấp cao lần thứ 6 đã đạt được tiến triển quan trọng như: Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) được triển khai không chỉ đối với thị trường EU, mà cho cả thị trường nội địa và các thị trường xuất khẩu khác. Hơn nữa, một điểm khác đạt được là cơ chế cấp phép FLEGT đối với gỗ xuất khẩu sang thị trường EU. Mặt khác, việc xác minh dựa trên rủi ro và kiểm soát gỗ nhập khẩu, trong bối cảnh hai bên đều nhìn nhận về tính phức tạp của việc truy xuất nguồn gốc gỗ tại nước khai thác và trách nhiệm của nhà nhập khẩu trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ.
Hai bên cam kết kết thúc đàm phán vào cuối năm 2016, trên tinh thần đó, hai bên đã xác định lộ trình thực hiện hiệp định sau khi được ký kết nhằm vận hành hệ thống cấp phép FLEGT trong thời gian sớm nhất.
Bà Astrid Schomaker – Giám đốc chiến lược Tổng cục Môi trường của Hội đồng châu Âu, Trưởng đoàn đàm phán của EU cho biết, vấn đề còn lại chủ yếu là câu chữ để làm sao khi dịch hơn 200 trang của Hiệp định không bị hiểu sai vấn đề. Cả EU và Việt Nam đều cam kết đấu tranh đẩy lùi buôn bán sản phẩm gỗ trái phép, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Cũng theo Trưởng đoàn đàm phán của EU, một điểm khó khăn nhất trong quá trình đàm phán lần này chính là việc đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp trong một chuỗi cung ứng dài khi sản phẩm gỗ được làm từ nhiều công đoạn, ở nhiều quốc gia và doanh nghiệp khác nhau. Do đó, trong trường hợp không có được thông tin về nguồn gốc gỗ là hợp pháp, các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện trách nhiệm giải trình để thể hiện là họ đã nỗ lực trong việc xác định nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Theo dự đoán của ông Hà Công Tuấn, sớm nhất thì cũng phải tới năm 2018 thì lô hàng gỗ, lâm sản đầu tiên của VIệt Nam mới được cấp chứng chỉ FLEGT.
Đồng tình, bà Astrid Schomaker cho hay, việc lô hàng đầu tiên được cấp chứng chỉ FLEGT vào năm 2018 là lý tưởng vì sau khi kết thúc đàm phán vào cuối năm 2016, còn rất nhiều việc phải làm, từ việc thay đổi hệ thống pháp luật của Việt Nam và dịch văn bản hiệp định sang 22 thứ tiếng trong EU.
Thực tế, sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam hiện nay khi xuất khẩu sang các nước tiên tiến như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều phải đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp, có thể truy xuất nguồn gốc, song khi sản phẩm có chứng chỉ FLEGT sản phẩm đó sẽ có uy tín hơn rất nhiều với người dân châu Âu.
“EU là một trong 5 thị trường lớn nhập khẩu gỗ và các sản phẩm lâm sản của Việt Nam. Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 7 tỉ đô la Mỹ sản phẩm liên quan tới rừng thì sang EU đạt trên 700 triệu USD, tương đương 10%.„
Ông Hà Công Tuấn cho hay, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang xuất vào EU chủ yếu theo hình thức FOB, tức là khách hàng đến mua và giao hàng tại cảng Việt Nam nên có sự phối hợp tốt giữa doanh nghiệp EU và doanh nghiệp Việt Nam, do đó, sản phẩm Việt Nam xuất vào EU là gỗ hợp pháp. Song, Hiệp định này hướng đến kiểm soát thật tốt gỗ hợp pháp với tất cả doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ vào EU. Khi hiệp định có hiệu lực, các doanh nghiệp xuất vào EU sẽ được cấp giấy phép FLEGT và giấy phép này là niềm tin của cả hai bên trong việc kiểm soát hàng hóa.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, việc thêm giấy phép là thêm thủ tục hành chính nhưng đây là sân chơi lớn và chúng ta muốn tham gia sân chơi lớn phải đảm sự hài hòa chung và phải chấp nhận luật chơi. “Thị trường luôn thay đổi và chúng ta phải luôn thích ứng. Chúng tôi sẽ hạn chế tối đa việc trục lợi, cửa quyền trong việc cấp chứng chỉ FLEGT, hướng tới minh bạch bằng việc cấp giấy phép điện tử” – Ông Tuấn nói thêm.
Bà Astrid Schomaker cho hay: “Hiện, Việt Nam đã và đang xuất khẩu lượng lớn gỗ sang EU nhưng chúng tôi vẫn chưa chắc chắn lắm về nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm. Do đó, khi sản phẩm được cấp giấy phép FLEGT thì sẽ không còn nghi ngờ gì nữa”.
Hoàng Sang / DĐDN