Không phải tự nhiên nhiều ý kiến cho rằng, ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam chẳng khác “người khổng lồ vô danh” được tạo nên bởi phép cộng vô số “chú lùn”. Thực tế có đúng vậy không?
Ảnh minh họa
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2015, cả nước có 4.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 3.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, khoảng 1.000 doanh nghiệp chuyên kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ. Nhưng, đa số các cơ sở chế biến gỗ quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, khả năng cạnh tranh yếu, chủ yếu làm gia công ở công đoạn sơ chế.
Bởi vậy, một chuyên gia về gỗ cho hay, nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu hiện đứng thứ 6 về kim ngạch trong bảng xếp hạng 10 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, biểu đồ kim ngạch xuất khẩu hàng năm đều hướng lên trên (năm 2011: 3,9 tỷ USD; năm 2012: 4,6 tỷ USD; năm 2013: 5,6 tỷ USD; năm 2014: 6,2 tỷ USD; năm 2015: 6,8 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2016: 3,2 tỷ USD - số liệu của Tổng cục Thống kê), nhưng có một thực tế khó phủ nhận: Có “đốt duốc giữa ban ngày” cũng chẳng tìm ra sản phẩm gỗ mang danh “made in Vietnam” nào.
Và, hệ quả của nghịch lý đó là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu, sử dụng lao động, tiếp cận các yêu cầu của thị trường xuất khẩu, đặc biệt tại 3 thị trường lớn: Mỹ, EU và Australia.
Một minh chứng rõ ràng nhất: Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng của gỗ Việt. Năm 2015, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ đạt 2,64 tỷ USD (5 tháng đầu năm 2016 hơn 1 tỷ USD), cao nhất trong các thị trường xuất khẩu gỗ Việt. Thế nhưng, gỗ Việt đang đứng trước 2 nguy cơ rủi ro cao.
Trước hết là tính hợp pháp về nguồn gỗ nguyên liệu. Chẳng hạn, 1.800m³ gỗ căm xe xuất khẩu sang Mỹ Năm 2015 đang gây tranh cãi. Nhiều ý kiến chỉ ra đây là gỗ nhập khẩu từ Campuchia và Lào, tính pháp lý chưa rõ ràng.
Thêm nữa, theo kết quả khảo sát 39 doanh nghiệp đang xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ, có tới hơn một nửa không nắm được các quy định về tiêu thụ sản phẩm gỗ tại thị trường Mỹ. Doanh nghiệp Việt chủ yếu giao dịch với người đại diện mua hàng, không tiếp cận trực tiếp doanh nghiệp Mỹ...
Với con số kim ngạch 3,17 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2016, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2015, nhiều chuyên gia nhìn nhận, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khó đạt được mục tiêu 7,6 tỷ USD.
Dường như bước đi của “người khổng lồ” gỗ Việt đã bắt đầu chững lại? Vì sao vậy? Chỉ có doanh nghiệp mới có câu trả lời chuẩn xác.