Trên thực tế, nhiều dự án BOT giao thông đã bộc lộ những mặt trái, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ảnh minh họa.
BOT là hình thức doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư dự án rồi kinh doanh thu phí trong một thời gian nhất định và sau đó chuyển giao lại cho Nhà nước. Đây là một trong những hình thức huy động nguồn lực của xã hội, phát triển rầm rộ thời gian qua.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án BOT giao thông đã bộc lộ những mặt trái, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Chẳng hạn như các trạm thu phí mọc lên dày đặc, gây cản trở giao thông, mức thu phí liên tục tăng và nguồn vốn đầu tư hầu hết là từ các ngân hàng thương mại, gây nguy cơ rủi ro cao cho hệ thống này và cả nền kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ GTVT , trên hệ thống quốc lộ cả nước có 86 trạm thu phí, trong đó có 53 trạm (chiếm 62%) có khoảng cách giữa các trạm thu phí trên cùng tuyến đường lớn hơn 70 km, có 9 trạm có khoảng cách 60 - 70 km, còn lại 24 trạm (chiếm 28%) có khoảng cách nhỏ hơn 60 km.
Hiện, hàng loạt các dự án BOT vẫn tiếp tục lộ trình tăng phí. Việc tăng phí sẽ giúp dự án đạt doanh thu khoảng 3,5 tỷ đồng/ngày, trong khi phương án tài chính ban đầu là 4 tỷ đồng/ngày. Khi nguồn ngân sách khó khăn, Nhà nước đã kêu gọi xã hội hóa.
Các phương án thu hồi vốn thường kéo dài 20-30 năm. Nhưng giờ đây, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan trong khi việc tăng giá phí đã được các bộ, ngành phê duyệt theo lộ trình.
(Theo VTV)