Việc các doanh nghiệp Thái Lan thâu tóm siêu thị Big C, Metro không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp bán lẻ trong nước mà còn ảnh hưởng đến đơn vị sản xuất nội khi nhiều doanh nghiệp tố gần đây bị ép tăng chiết khấu ở mức quá cao.
Ảnh minh họa.
Tổng giám đốc Vissan Văn Đức Mười cho biết, việc các siêu thị lớn như Metro, BigC ép doanh nghiệp phải tăng chiết khấu cho siêu thị là “chuyện cơm bữa”, năm nào cũng có.
Mệt vì các khoản phí, chiết khấu
Trao đổi với PV Tổng giám đốc Vissan Văn Đức Mười cho biết, việc các siêu thị lớn như Metro , BigC ép doanh nghiệp phải tăng chiết khấu cho siêu thị là “chuyện cơm bữa”, năm nào cũng có.
“Năm nào họ cũng ép phải tăng chiết khấu rất dữ dội. Với những doanh nghiệp có thương hiệu, có sức mạnh trong hệ thống phân phối thì họ sẽ phải đàm phán rất kỹ, khó có thể ép được. Đa phần những doanh nghiệp nhỏ đều phải nhượng bộ, để bán được hàng vào hệ thống của họ. Ngoài kênh bán trong siêu thị Metro, BigC và các siêu thị khác, chúng tôi đã xây dựng được 130 nghìn điểm bán lẻ trên toàn quốc nên có thể đàm phán tay đôi kéo dài thời gian tăng chiết khấu với họ”, ông Mười cho biết.
Đại diện một doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm tại TP. HCM cho biết, bán được hàng vào siêu thị là cả một hành trình vất vả. Ngoài những thủ tục hành chính, doanh nghiệp phải cam kết trả, hỗ trợ đủ các khoản chi phí như: Tiền thuê quầy kệ trưng bày, hỗ trợ khai trương siêu thị mới, hỗ trợ sinh nhật siêu thị, hỗ trợ các chương trình khuyến mại chung của siêu thị, phí tạo mã hàng, chiết khấu bán hàng, phí hỗ trợ vận chuyển… Thậm chí doanh nghiệp phải có những khoản lót tay khác cho các nhân viên phụ trách ngành hàng để được ưu tiên vị trí bày đẹp trên hệ thống kệ.
“Để đưa được hàng vào siêu thị, doanh nghiệp phải chấp nhận mức chiết khấu thấp nhất 20%-30%. Nhiều mặt hàng sau khi đưa vào siêu thị hầu như không có lãi. Có mặt hàng chỉ lãi chưa được 1%. Dù lượng hàng bán trong hệ thống các siêu thị Metro, BigC chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng doanh số bán hàng nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì để giữ thị phần”. Theo vị này, gần 2 năm trở lại đây, họ đã phải rút một số nhãn hàng không bán trong hệ thống các siêu thị này do bị lỗ khi đưa hàng vào bán tại đây. Với các doanh nghiệp nhỏ nếu không có hệ thống phân phối riêng, khi bán được hàng vào các hệ thống này khả năng nhận biết thương hiệu và hiệu quả kinh doanh có cải thiện. Tuy nhiên, khi đàm phán, đa phần các doanh nghiệp nhỏ đều bị yếu thế và buộc phải chấp nhận yêu sách của siêu thị đưa ra.
Hỗ trợ hàng nội để cùng phát triển
Sau khi có thông tin siêu thị Big C, Metro “đuổi khéo” các mặt hàng nội, nhiều siêu thị Việt cho biết đang tận dụng việc hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để phát triển. Trao đổi với P.V, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, tập đoàn đang thực hiện chiến lược bắt tay với nhà sản xuất nội để phát triển.
Cụ thể, tập đoàn đã xây dựng chính sách chiết khấu thương mại với ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiêu thụ hàng qua hệ thống hơn 50 trung tâm thương mại, 800 siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ của tập đoàn. Riêng các mặt hàng thực phẩm tươi sống, tập đoàn cam kết phân phối các sản phẩm sạch, an toàn với mức giá bằng đúng giá bán của nhà cung cấp trong vòng một năm.
Bên cạnh đó, tùy thuộc vào tình hình thực tế và tiềm năng của từng doanh nghiệp, Vingroup sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ về hiện diện và khuyến mại… “Toàn bộ hệ thống bán lẻ của Vingroup sẽ là cầu nối hiệu quả để hàng Việt Nam chất lượng cao đến được với đông đảo người tiêu dùng”, lãnh đạo Vingroup nói.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan, doanh nghiệp nội cần vượt qua các thách thức từ mô hình mua sắm truyền thống sang hình thức mua sắm hiện đại và đầu tư vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị bán lẻ, liên kết để phát triển các hình thức bán lẻ mới. |
(Theo Báo Tiền Phong)