Về An Giang mùa nước nổi và ghé thăm vùng biên Châu Đốc, bạn đừng quên thử món gỏi sầu đâu có vị hơi đắng đặc trưng.
Cây sầu đâu mọc nhiều ở các vùng Tri Tôn, Châu Đốc, Tịnh Biên (An Giang), Hà Tiên (Kiên Giang)... Gỏi sầu đâu được biết đến là món ăn của người Campuchia, dùng như một món rau trong bữa cơm hàng ngày. Món ăn này du nhập vào Việt Nam thông qua các gia đình người Khmer sinh sống ven biên giới Việt Nam.
Nếu có khách xa tới chơi, ngoài những món đặc sản miền Tây trứ danh như canh chua điên điển, cá linh... dân Châu Đốc còn ra vườn hái nắm lá sầu đâu non để làm món gỏi lạ miệng.
Món gỏi này được chế biến đơn giản, nhanh gọn. Lá non và hoa sầu đâu được rửa sạch trụng qua nước sôi cho bớt đắng, sau đó để ráo nước. Dưa leo, thơm (dứa) và xoài thái mỏng hoặc xắt sợi. Người miền Tây thường làm món gỏi sầu đâu khô cá lóc hoặc khô cá sặc. Khô cá nướng xé nhỏ, thịt ba chỉ luộc xong thái mỏng, cho thêm ít tôm bóc vỏ.
Món gỏi sầu đâu đơn giản mà độc đáo.
Trộn các nguyên liệu lại với nhau, rưới đều nước mắm ớt tỏi pha chua ngọt lên, rồi lại tiếp tục đảo đều tay. Sau đó một lần nữa cho gia vị thấm trước khi bày ra đĩa. Rắc thêm ít rau thơm, ngò rí, đậu phộng, thêm vài lát ớt đỏ vào đĩa gỏi cho có màu sắc hấp dẫn. Nước chấm là nước mắm me được chế biến khá công phu. Cho me vào nồi, đổ thêm ít nước đun sôi nhẹ đến khi rã rồi lọc lấy nước. Nước me trộn vào nước mắm nhĩ, thêm ít đường, tỏi và ớt băm nhuyễn. Nước chấm ngon là khi nếm thử thấy hài hòa nhưng rõ từng vị chua, cay, mặn, ngọt.
Khi thưởng thức món này, người chưa quen sẽ thấy... sợ vì vị đắng của lá sầu đâu, nhưng nếm đủ vị đắng, chua, mặn, ngọt của đĩa gỏi hoàn chỉnh sẽ thấy thú vị.
Về An Giang mùa này, nhiều quán ăn, nhà hàng có món gỏi sầu đâu khô cá sặc trong thực đơn, đừng ngại ngần gọi một đĩa. Còn nếu có người quen, bạn bè ở vùng Châu Đốc, chắc chắn bạn sẽ được “thết đãi” món ăn khiến bạn nhớ mãi, vì vị đắng, vì cái độc đáo của mùa nước về, và cả vì tâm tình của người miền Tây.
Theo Má Lúm