Chu Đậu được coi là một trong những chiếc nôi của nghề gốm Việt Nam. Thôn Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương – mảnh đất đã gắn liền với những câu chuyện lịch sử về sự trường tồn của một làng nghề gốm từ cách đây hàng trăm năm. Sau hàng trăm năm thất truyền, gốm Chu Đậu đã được khai phá và hồi sinh, các sản phẩm gốm đều hội tụ đầy đủ nét tinh hoa văn hóa thuần Việt với những đặc trưng tinh xảo và rất cầu kỳ.
Hành trình tìm lại tên…
Tới thăm Công ty Cp gốm Chu Đậu – đơn vị thuộc Tổng Cty Thương mại Hà Nội –Hapro trên diện tích hơn 30.000m², sẽ cảm nhận rất rõ không gian rộng lớn với những quy trình chế tạo gốm được thực hiện quy mô bài bản của cơ sở này. Nơi đây không chỉ đơn thuần là một cơ sở sản xuất gốm lớn ở miền Bắc, một trung tâm trưng bày sản phẩm gốm Chu Đậu hiện đại, mà còn là một điểm du lịch sinh thái – làng nghề lý tưởng cho du khách các tỉnh lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Gốm Chu Đậu đã đi một hành trình dài hàng trăm năm để có được bước chuyển mình thành công như ngày hôm nay, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của thời gian. Gốm Chu Đậu mang sắc thái độc đáo riêng biệt từ phương pháp chế tạo cho đến ý tưởng hình thành những mẫu mã sản phẩm đều vô cùng sáng tạo, chứa đựng những thông điệp về thế giới nhân, sinh, quan. Đến thăm xưởng chế tạo gốm Chu Đậu không chỉ được nghe về quá trình xây dựng và phát triển của làng gốm, mà còn tận mắt chứng kiến đôi tay tài ba của những người thợ vẽ thổi hồn trên từng nét hoa văn tinh xảo, dường như mỗi sản phẩm gốm ở đây đều có linh hồn, tiếng nói riêng, chứa đựng trong đó nét tinh hoa thuần Việt của nền văn minh lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Sản phẩm gốm Chu Đậu từ xưa đến nay chỉ làm thủ công với đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, những người thợ, từ khâu nặn, đúc đến trang trí hoa văn. Gốm Chu Đậu ngày nay kế thừa những tinh hoa văn hóa do cha ông để lại, bảo tồn và phát triển các sản phẩm truyền thống của địa phương, kết hợp với những kiểu dáng, màu men mới, hoa văn, họa tiết phù hợp với thẩm mỹ đương đại, đáp ứng thị hiếu khách hàng. Sau nhiều năm thất truyền, nay gốm Chu Đậu đã thực sự hồi sinh, trở thành mặt hàng xuất khẩu giá trị, có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, mở ra cánh cửa giao thương giữa tỉnh Hải Dương và các vùng lân cận, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng về dấu ấn và sức sống trường tồn của một làng nghề truyền thống.
Hương sắc riêng của đất trời…
Khác với những sản phẩm gốm có sự giao thoa của văn hoá phương Đông và phương Tây, gốm Chu Ðậu là gốm Đạo, có họa tiết thuần Việt in đậm dấu ấn trên sản phẩm mang giá trị nhân văn của Phật giáo, Nho giáo. Hoa văn trang trí gốm rất phong phú, từ đắp nổi, khắc chìm, vẽ công phu, đến nét bút phóng khóang và điêu luyện nhưng vẫn tuân thủ nghiêm ngặt về giá trị thẩm mỹ. Hầu hết trên các sản phẩm của gốm Chu Đậu đều lấy hoa sen làm hoa văn chủ đạo cho các họa tiết trên gốm. Chủ yếu là các họa tiết hoa văn từ đời Trần được các nghệ nhân lấy làm khuôn mẫu và cảm hứng khi sáng tác hoa văn cho gốm Chu Đậu. Màu vẽ dưới men chủ yếu là Oxy cô- ban, phủ ngoài men tro hoặc màu nâu nền men trắng nhạt đã tạo nên sắc thái rất riêng của gốm Chu Đậu. Người thợ vẽ đã phản ánh sinh động khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống dân dã của người Việt, trên mỗi sản phẩm gốm Chu Đậu đều khắc họa một bức tranh sinh động của làng quê, từ hoa sen, hoa cúc, đến cảnh chăn trâu, chim đậu trên cành, đàn cá bơi dưới nước, thể hiện vẻ đẹp thuần khiết, mang đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.
Sản phẩm tiêu biểu và đặc sắc nhất của gốm Chu Đậu cổ là cặp bình Âm, Dương. Bình Âm là sự hiện thân của người phụ nữ Việt Nam dịu dàng nết na. Còn bình Dương đại diện cho người đàn ông, là trụ cột là nền tảng trong gia đình. Theo quan điểm của người xưa, nói đến các sản phẩm bằng gốm là nói đến sự kết hợp hài hòa của năm yếu tố, kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Kim loại có trong xương và men gốm tạo ra vẻ đẹp và sự huyền bí của màu sắc. Lửa là tác nhân của sự bền chắc trong xương gốm, sự sáng trong quyến rũ của áo gốm. Nước hợp với đất tạo dáng cho gốm. Ngọn lửa là cha tạo ra phẩm chất sắc thái của gốm, đất là mẹ tạo ra xuơng thịt cho gốm.
Người ta nói, người là tinh hoa của trời, gốm là tinh hoa của đất. Nên nói đến gốm phải nói đến đất. Điều quan trọng đầu tiên để hình thành nên các lò gốm là nguồn đất sét làm gốm. Đất làm ra gốm Chu Đậu được khai thác ở một nơi đặc biệt tại vùng đất thiêng Chí Linh.Trời đất đã phú cho vùng đất nơi đây một nguyên liệu quý giá để làm gốm – đó là đất sét trắng, trầm tích được lắng đọng qua nhiều năm ở nơi giao nhau của những con sông. Đó là loại đất quý hiếm, ít tạp chất, qua nhiều công đoạn lọc, ủ rồi lắp ghép và gia công đã tạo nên những tác phẩm gốm với dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí… tất cả đều đẹp hoàn hảo.
Lê Linh