Hai ứng dụng đặt xe lớn nhất tại Việt Nam đang có cuộc cạnh tranh quyết liệt. Đằng sau đó là những mánh lới giành giật khách hàng cũng như lái xe để vừa gây sức ép với đối thủ, vừa mở rộng thị trường.
Các lái xe luôn được mời chào sang hãng kia để làm với nhiều ưu đãi hơn.
Giành giật thị phần
Tháng 2/2014, Grab đặt chân vào Việt Nam với tên gọi GrabTaxi. 4 tháng sau đó, Uber xuất hiện tại TP.HCM, nhanh chóng trở thành một đối trọng với GrabTaxi khi cung cấp một dịch vụ tương tự, chất lượng được quảng bá còn cao hơn nhờ sử dụng thêm xe hạng sang.
Mặc dù đều là đề án về ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh doanh dịch vụ vận tải, song, trên thực tế, đường đi của Grab dễ dàng hơn Uber, bởi Grab đã nghiên cứu rất kỹ thị trường Việt Nam và hoàn thiện tính pháp lý của mình nhanh hơn hẳn đối thủ. Grab sử dụng xe có biển hiệu, biển số, đã đóng thuế, và có pháp nhân tại Việt Nam.
Uber và Grab cạnh tranh nhau quyết liệt
CEO Uber tại Việt Nam Đặng Việt Dũng cho biết, Uber và Grab có hình thức kinh doanh giống nhau nhưng Grab là công ty có tư cách pháp nhân tại Việt Nam, còn Uber là công ty toàn cầu, nên để được triển khai đề án thí điểm thì Uber cũng phải làm tương tự.
Trong lúc Uber đang nỗ lực hoàn thiện tư cách pháp nhân thì Grab đã tiến thêm một bước khi đã được phê duyệt đề án GrabCar tại 5 tỉnh thành, trong vòng 2 năm. Một đề án tương tự của Uber lại bị trả về. Uber gặp phải sự phản đối của Hiệp hội Taxi TP.HCM, với việc gửi đơn kiến nghị cấm công ty này kinh doanh taxi trá hình. Lái xe các hãng taxi than phiền có sự cạnh tranh không công bằng giữa Uber và taxi truyền thống, khi Uber được đi thoải mái trong các tuyến phố cấm taxi.
Việc không thành lập công ty ở nước sở tại, tỷ lệ ăn chia luôn cố định ở mức 20-80, sự rập khuôn cứng nhắc đó, khiến một startup Mỹ trị giá hàng chục tỉ đô la như Uber cứ mãi loay hoay tại thị trường Việt Nam. Đây cũng là điểm yếu mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Facebook hay Google gặp phải khi bị cho là trốn thuế ở nước sở tại.
Về phía khách hàng, Grab và Uber cũng chạy đua giành khách. Thời gian đầu, Grab liên tục tặng mã giảm giá cho khách hàng, Uber cũng không kém khi có chính sách tặng ưu đãi cho người giới thiệu tài khoản mới và thường xuyên tặng khách mã giảm giá.
Hơn nữa, trên cùng một cung đường, nhưng giá của Uber thường rẻ hơn và phong cách phục vụ tốt hơn với nhiều dòng xe. Song, ở giờ cao điểm, giá xe của Uber lại cao gấp nhiều lần so với Grab và gấp 2-3 lần so với taxi truyền thống.
Uber đã bắt đầu áp dụng phương thức thanh toán tiền mặt đơn giản và tiện lợi hơn với người Việt nhằm cạnh tranh với đối thủ Grab. Grab đã áp dụng phương thức thanh toán bằng tiền mặt từ năm 2013 như các dịch vụ taxi truyền thống ở Việt Nam. Trước đó, việc chỉ có hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng đã trở thành một nhược điểm lớn đối với Uber.
Uber tung ra thị trường Việt Nam dịch vụ UberMoto. Tuy nhiên, có vẻ Uber đã quá “chậm chân” khi GrabTaxi vốn đã triển khai sẵn dịch vụ này ở Việt Nam cũng như các thị trường Đông Nam Á khác.
Chiêu trò lôi kéo lái xe
Không chỉ cạnh tranh giành thị phần vận tải, cuộc chiến giành giật tài xế giữa Uber và Grab cũng căng thẳng không kém. Các chính sách chiêu mộ lái xe liên tục được đưa ra. Ban đầu, lái xe đăng ký tham gia được tặng chiếc iPhone 4 có cài đặt phần mềm. Các tài xế sẽ được huấn luyện sử dụng phần mềm. Đáng chú ý, điện thoại iPhone chỉ có chức năng nghe và chạy chương trình cài đặt để đưa đón khách.
Với mỗi tài xế, nếu giới thiệu thêm người mới sẽ tặng thưởng vài triệu đồng. Không chỉ vậy, các chính sách ban đầu cho lái xe mới cũng khá hấp dẫn qua các khoản thưởng và hỗ trợ riêng của Uber. Uber mới đây cũng bắt tay với ngân hàng để chào mời các lái xe thông qua dự án vay mua xe ưu đãi.
Cách đây không lâu, Grab đưa ra chính sách thưởng theo khu vực mới, chia thành hai khung giờ vàng và bạc, tổng thời gian của các khung giờ ưu đãi trong ngày là 17 tiếng. Tại các khung giờ và khu vực khác nhau, mức thưởng cũng tương ứng từ 20%, 40% và cao nhất là 60%.
Theo tính toán, thu nhập của lái xe Grab theo chương trình mới khi không nhân giá là 16.000 đồng/km, và khi nhân giá mức 1,5x thì thu nhập lên tới 21.000 đồng/km. Trong khi đó, Uber chỉ cố định ở mức 7.500 đồng/km, khi không nhân giá thì được thưởng, khi nhân giá thì cắt thưởng, đồng nghĩa với thu nhập của lái xe Grab gấp từ 2,1-2,8 lần lái xe Uber.
Phía Uber cũng ưu đãi không kém. Theo chia sẻ của một lái xe, một số chương trình của Uber như chạy trên 50 chuyến/ngày được hỗ trợ 1,3-1,5 triệu đồng; chạy trên 5 chuyến vào buổi trưa từ 12-14h được tặng ngay 200.000 đồng, được trợ giá một số đoạn ngắn chỉ vài 20.000-30.000 đồng,...
Giới lái xe còn bàn nhau việc hãng này sẽ thưởng nóng cả triệu đồng khi tài xế của hãng kia mang nộp tài khoản và cam kết lái xe cho bên mới. Với chiêu trò này, không ít lái xe vì ham thu nhập ban đầu đã bỏ nơi cũ chạy sang bến mới.
Không ít lái xe đã ăn hai mang bằng cách âm thầm cài đặt cả hai ứng dụng. “Uber trước kia có chính sách hấp dẫn, nhiều ưu đãi, tuy nhiên, chạy Grab chúng tôi lại được trả giá cao hơn”, một lái xe chia sẻ.
Có thể nói, cuộc cạnh tranh giữa Grab và Uber vẫn còn đang quyết liệt tại thị trường Việt Nam. Cả Uber và Grab đều có những con số tăng trưởng kinh doanh ấn tượng nhưng lợi nhuận lại là dấu hỏi lớn.
Nam Hải / VietnamNet