Đây là câu hỏi được GS. Jay Rosengard, Trường Chính sách công Kennedy, Đại học Harvard đặt ra tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017.
Chướng ngại của mọi quốc gia
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhận xét từ năm 2008 Việt Nam đã vượt qua mốc GDP bình quân đầu người 1.000 USD và bắt đầu bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình.
Ông Bình cũng nhấn mạnh đây là mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam nhưng cũng đồng thời tạo ra nhiều thách thức. Bởi lẽ, như ông phân tích, thu nhập trung bình là chướng ngại mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải trải qua trong quá trình phát triển kinh tế.
“Đã có nhiều nước thoát bẫy này thành công để trở thành các nước có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật, Singapore nhưng cũng nhiều nước đang trong vòng luẩn quẩn”, ông nói.
Và theo đó, Việt Nam có thể đối diện với bẫy thu nhập trung bình gắn với nguy cơ tốc độ tăng trưởng chậm lại vì các yếu tố tăng trưởng theo bề rộng giới hạn và động lực phát triển chiều sâu còn rất mờ nhạt.
“Động lực và cải cách trước đây tạo ra không còn đủ mạnh và cần có thêm những động lực mới”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định.
Mèo hay hổ châu Á?
GS. Jay Rosengard, Trường Chính sách công Kennedy, Đại học Harvard đã đưa ra 2 hình ảnh so sánh đối lập: con hổ mạnh mẽ và con mèo yếu đuối, thể hiện các quốc gia được phân nhóm trong khu vực châu Á.
GS. Đại học Harvard cho biết có 2 khái niệm cần xem xét khi nói về khái niệm, định nghĩa của bẫy thu nhập trung bình.
Đó là hội tụ về thu nhập và mức thu nhập tuyệt đối, có thể bắt kịp các quốc gia thu nhập cao không, xác định ngưỡng thu nhập thế nào. “Ta nói đến GDP trên đầu người vậy còn mối quan hệ tương quan giữa thu nhập và phi thu nhập sẽ như thế nào”, GS. đặt vấn đề.
Ông cũng chỉ ra rằng các quốc gia đã giàu ngày càng giàu hơn. Ví dụ như Singapore… họ đã có khoảng 15 năm với tỷ lệ tăng trưởng bền vững. “Các nước đó là những con hổ châu Á, còn nếu xem xét tỷ lệ tăng trưởng đó cho những con mèo như Việt Nam chẳng hạn, thì đang đi xuống”, ông cho biết.
Nhận xét Việt Nam là nước có dân số trẻ, GS. Jay đặt câu hỏi liệu người Việt có thể giàu trước khi già được không? Liệu rằng những lợi thế về mặt nhân khẩu học có được Việt Nam tận dụng tốt?
Ông so sánh Việt Nam với Ấn Độ và Trung Quốc về tỷ lệ GDP theo năm và chỉ số cạnh tranh toàn cầu. “Năm 2017 Việt Nam đứng thứ 2 từ dưới lên”, ông cho biết.
Chỉ số cạnh tranh toàn cầu, ông Jay chỉ ra: góc độ tăng trưởng, năng suất, áo dụng công nghệ và khởi nghiệp của Việt Nam đều có giá trị âm.
Như vậy, so sánh với tăng trưởng giữa hổ và mèo (mà Việt Nam nằm trong nhóm này) sự chênh lệch là đáng kể, nhất là về công nghệ cao.
Bên cạnh đó, vị GS cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải: chênh lệch giữa khu vực DNNN và doanh nghiệp tư nhân; quá trình đô thị hoá nhanh; môi trường kinh doanh vẫn kém cạnh tranh so với các nước (biểu hiện qua thời gian kê khai thuế, chi phí logistics cao…).
Ông Jay cho biết hiện chưa có bằng chứng các quốc gia thu nhập trung bình ở ASEAN có thể bị rơi vào bẫy không. “Nhưng cũng có thể đã rơi vào và thoát ra”, ông nói.
Khuyến nghị, vị GS. Harvard cho biết, Việt Nam phải có nhiều sự thay đổi, trong đó, nhấn mạnh đến cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, chú trọng đầu tư đến hạ tầng vật chất và con người…
Ông cũng nói rằng chi phí nhân công của Việt Nam rẻ nhưng cũng đang mất dần đi lợi thế này vì năng suất thấp. Do đó, năng suất cũng phải là điểm cốt yếu cần cải thiện trong tương lai.
“Tôi nghĩ Việt Nam có tiềm năng rất lớn, chúng ta có nhiều lợi thế cạnh tranh, nhưng phải thực hiện tốt hơn nữa. Các bạn muốn làm mèo hay làm hổ, muốn thu nhập trung bình hay thu nhập cao?”, GS. Jay Rosengard kết thúc phần trình bày của mình bằng câu hỏi.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của vị GS đến từ Mỹ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết Việt Nam sẽ còn nhiều việc phải làm để quyết tâm trở thành con hổ mới của châu Á, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
“Chính phủ Việt Nam sẽ có những chính sách phù hợp hơn”, ông Bình cho hay.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thì nhận xét Việt Nam có thể tăng trưởng 8 – 9% trong tầm tay. Đấy là tầm nhìn của năm 2020 trở đi nếu Việt Nam cải thiện hiệu quả được khu vực kinh tế Nhà nước, tạo thuận lợi giải ngân vốn FDI, vốn ODA, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bên cạnh đó, có sự phân bổ lao động, nguồn lực hiểu quả tốt hơn.
Theo Nam Dương
Trí thức trẻ