Trong năm 2017, GS. TSKH Nguyễn Mại dự báo việc thu hút FDI vẫn tăng trưởng tốt, với số vốn đăng ký và vốn thực hiện tăng khoảng 10-12% so với năm 2016.
GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Mới đây, Tổng cục thống kê thừa nhận mục tiêu thu hút 23 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2016 là rất khó đạt được. Tuy nhiên nhìn nhận từ một khía cạnh khác, GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – không cho rằng 2016 là một năm thất bại của thu hút FDI.
Vốn FDI đăng ký trong năm 2016 vào khoảng 20 tỷ đồng, kém hơn năm ngoái 10%. Nhưng vốn thực hiện trong năm nay vào khoảng 16 đến 16,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015.
Nếu so sánh với những chỉ tiêu vĩ mô khác của Việt Nam, bao gồm tăng trưởng năm 2016 là 6,3%, kém hơn năm 2015 là 6,68%; xuất khẩu tăng khoảng 6,5%, chưa đạt chỉ tiêu quốc hội đề ra, thì FDI thực hiện lại vượt so với năm ngoái. Đây là con số đáng nói, giáo sư lưu ý.
Thứ hai là độ chênh giữa số vốn đăng ký và vốn thực hiện. Tổng vốn đăng ký từ năm 1988 đến cuối năm 2016 là 300 tỷ USD. Cùng kỳ, vốn thực hiện chỉ đạt khoảng 160 tỷ. Như vậy, chênh lệch giữa vốn đăng ký với thực hiện là gần 50%. Con số còn lại, 140 tỷ USD, phần lớn là con số ảo.
“Nếu Việt Nam ráo riết với nhà đầu tư, có thể sẽ thúc được nhà đầu tư thực hiện thêm được khoảng 40 tỷ USD, còn 100 tỷ USD 'ảo' còn lại cần được rút khỏi thống kê của nhà nước để đừng gây ảo ảnh”, giáo sư nói.
Trong năm 2016, chênh lệch 3,5 – 4 tỷ USD giữa vốn FDI đăng ký và vốn thực hiện là con số đáng mừng. Từ năm 2011 đến 2015, mức chênh lệch này ngày càng giảm từ khoảng 5,5 tỷ USD. Như vậy FDI đang ngày càng thực chất hơn, nhà đầu tư xin được giấy phép là làm ngay.
Ví dụ, dự án của Samsung, LG đăng ký chỉ một năm sau là đi vào hoạt động ngay, nên không tạo ra khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện, ông chỉ ra.
Về số phận của Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động của nó tới FDI từ Mỹ vào Việt Nam trong tương lai, giáo sư cho biết ông không đồng ý với những ý kiến cho rằng “TPP đã chết rồi”.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phản đối TPP vì nó cướp đi công ăn việc làm của người Mỹ và mang về cho những nước có chi phí nhân công rẻ hơn như Việt Nam.
Tuy nhiên đây là điều mà các ứng viên buộc phải nói trong giai đoạn tranh cử để lôi kéo cử tri, giáo sư Nguyễn Mại nói.
Trên thực tế, có hai yếu tố đang là rào cản đối với lập trường của ông Trump.
Thứ nhất là các doanh nghiệp đa quốc gia của Mỹ. Theo ước tính, chi phí sản xuất trung bình 1 chiếc iPhone hiện nay là 230 USD. Nếu tất cả các bộ phận của iPhone được chuyển về Mỹ, chi phí của nó có thể lên tới 600 USD, như vậy giá bán lẻ của một chiếc iPhone ra thị trường sẽ vào khoảng 2.000 USD. Ông Trump buộc phải tính đến tiếng nói của các doanh nghiệp, vì đây là những nhà tài trợ chính cho nghị sĩ.
Thứ hai là các cử tri đảng Cộng hòa, không phải ai cũng nhất trí với ông Trump về việc bỏ TPP.
“Sau khi lập chính phủ mới, các cương lĩnh đối nội, đối ngoại mới thành hình. Bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống sẽ đề cập tới các vấn đề này, trong đó có TPP, đến lúc đó chúng ta mới biết TPP ‘chết’ hay ‘sống’”, giáo sư kết luận.
Hiện có ba kịch bản cho số phận của TPP. Một là Mỹ rút khỏi, TPP đổ vỡ. Hai là Mỹ sẽ đàm phán lại các điều khoản của TPP, tiến trình mất thêm 1 – 2 năm nữa, nhưng vẫn có TPP. Ba là Mỹ rút khỏi, nhưng sẽ có một hiệp định khác như TPP với 11 nước và không có Mỹ.
Hiện vốn FDI đăng ký của Mỹ vào Việt Nam chỉ vào khoảng 10 tỷ USD so với tổng 300 tỷ USD từ các nước còn lại, chiếm khoảng 3% và chưa thay đổi nhiều.
“Nên tôi cho rằng có TPP hay không thì con số này cũng bị ảnh hưởng nhiều. Mỹ và Việt Nam còn nhiều điểm chưa gặp nhau trong FDI, muốn thu hút thêm đầu tư từ Mỹ thì hai bên phải giải quyết những điều đó, chứ không phải chờ TPP”, ông nhấn mạnh.
Trong năm 2017, GS. TSKH Nguyễn Mại dự báo việc thu hút FDI vẫn tăng trưởng tốt, với số vốn đăng ký và vốn thực hiện tăng khoảng 10-12% so với năm 2016.
Lê Huyền / BizLIVE