3 ngân hàng tư nhân quy mô vừa tăng mạnh lãi suất huy động, xu hướng tăng lãi suất không chỉ còn diễn ra cục bộ ở một vài ngân hàng nhỏ.
"Cuộc đua" tăng lãi suất không chỉ ở ngân hàng nhỏ
Những tháng cuối năm 2021, trên thị trường, một số ngân hàng nhỏ và vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân. Sang những ngày đầu năm nay, xu hướng này đã lan sang một số ngân hàng thương mại tư nhân lớn.
Tại VPBank, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2-0,7% lên 5-6%/năm, áp dụng cho phân khúc khách hàng cá nhân gửi trực tiếp tại quầy, nhận lãi cuối kỳ. Với tiết kiệm online, lãi suất cao nhất là 6,5%/năm tăng 0,3 điểm %, áp dụng cho các khoản gửi từ 50 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng...
Ngân hàng này cũng lưu ý đối với phân khúc khách hàng ưu tiên, áp dụng loại tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên với kỳ hạn từ 1 tháng trở lên: Lãi suất được quy định bằng lãi suất tương ứng trên biểu lãi suất huy động hiện hành cộng 0,1%/năm. Lãi suất được nhận không vượt quá 4% năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng. Trường hợp mức lãi suất trong ngày của VPBank cao hơn mức lãi suất trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì mức lãi suất được áp dụng là trần lãi suất của NHNN.
Nhiều ngân hàng bất ngờ tăng mạnh lãi suất huy động (Ảnh: Mạnh Quân).
Sacombank cũng áp dụng mức cao nhất 6,3%/năm cho các khoản gửi 36 tháng tại quầy, tăng 0,2 điểm %. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 5,5%/năm lên 5,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng từ 4,3%/năm lên 4,6%/năm. Với tiết kiệm online, lãi suất tăng 0,2 đến 0,3 điểm % ở các kỳ hạn 36 tháng trở lại 6 tháng. Trước đó, vào tháng 10/2021, Sacombank cũng đã có một đợt tăng mạnh lãi suất khoảng 0,4-0,6%/năm.
Ngân hàng này lưu ý, đối với kỳ hạn 13 tháng, lãi suất 6%/năm, áp dụng cho món huy động mới hoặc tái tục với mức gửi tối thiểu 100 tỷ đồng/tài khoản. Đối với các trường hợp tái tục sổ tiết kiệm, nếu số dư tái tục nhỏ hơn 100 tỷ đồng/tài khoản, ngân hàng áp dụng theo mức lãi suất cuối kỳ của kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất của các loại hình lãnh lãi khác được quy đổi tương ứng theo loại hình lãnh lãi cuối kỳ.
Một số ngân hàng còn phát hành chứng chỉ tiền gửi, áp dụng lãi suất cao chẳng hạn như SHB huy động qua chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 7,2%/năm.
Bên cạnh đó, một số nhà băng khác đang huy động lãi suất cao nhất trên 6%/năm như Viet Capital Bank (6,7%/năm), Bac A Bank (6,7%/năm), Sacombank (6,6%/năm), Eximbank (6,3%/năm), TPBank (6,3%/năm)...
Ngược lại, 4 "ông lớn" ngân hàng TMCP Nhà nước là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank vẫn giữ nguyên lãi suất huy động trong 3 tháng trở lại đây và tiếp tục là những ngân hàng có lãi suất thấp nhất hệ thống.
Điều kiện hưởng lãi suất cao: Gửi tiền chục tỷ, trăm tỷ, nghìn tỷ đồng
Khảo sát thị trường cho thấy, điều kiện để được hưởng lãi suất cao tại không ít ngân hàng là khách phải gửi tiền chục tỷ, trăm tỷ thậm chí gần nghìn tỷ đồng trở lên.
SCB áp dụng lãi suất 7,6%/năm cho khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng.
Còn ACB và Techcombank áp dụng với mức lãi suất huy động 7,1%/năm. Điều kiện để áp dụng mức này tại ACB là khách hàng phải gửi từ 30 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 13 tháng; còn tại Techcombank là gửi từ 999 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng.
LienVietPostBank và HDBank vẫn giữ mức lãi suất cao nhất lần lượt là 6,99 và 6,85%/năm. Điều kiện là khách hàng phải gửi tiết kiệm từ 300 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng.
Còn tại Dong A Bank, lãi suất cao nhất đang niêm yết là 6,8%/năm dành cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm từ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng.
Lãi suất năm nay sẽ ra sao?
Đánh giá về việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động dịp cận Tết, ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán DNSE, cho rằng, giai đoạn trước Tết Nguyên đán, các ngân hàng sẽ có cuộc đua về sản phẩm để thu hút tiền gửi của người dân và chuyện này là "hết sức bình thường". Thông thường, lãi suất huy động tăng thêm 0,2 - 0,7 điểm % sẽ là dành cho kỳ hạn dài. Vì thế mà câu chuyện này không đại diện cho tình hình chung.
Theo ông Giang, định hướng tài chính năm nay cơ bản chưa có tín hiệu về việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, một số ngân hàng tư nhân, cổ phần sẽ tính toán, cân đối chiến lược trong dài hạn. Theo ông, đầu ra đồng tiền chưa ảnh hưởng ngay. "Việc tăng lãi suất cho vay hay không sẽ phụ thuộc vào chính sách của Ngân hàng nhà nước về mặt lãi suất cơ bản. Đến nay thì chưa có dấu hiệu tăng lãi suất cơ bản nên việc tăng lãi suất về mặt tổng thể là chưa xảy ra", ông nói.
Về xu hướng lãi suất năm nay, ông cho rằng hiện nền kinh tế vĩ mô ở Việt Nam khá ổn định. Nhưng năm nay, việc giảm lãi suất cho vay là khó.
Nhiều dự báo liên quan đến lãi suất cho vay sau động thái rục rịch tăng lãi đầu vào từ các nhà băng (Ảnh: Tiến Tuấn).
Còn theo dự báo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặt bằng lãi suất năm nay khó giảm thêm so với cuối năm trước và nhiều khả năng tăng nhẹ trở lại quanh 0,25-0,5 điểm phần trăm, nhất là trong nửa cuối của năm.
Theo công ty này, áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đã, đang có xu hướng tăng mạnh cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất điều hành. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất điều hành ở mức mềm mỏng hơn để vẫn có thể hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế, trước những rủi ro tiềm ẩn từ đại dịch Covid-19.
Trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước không thực hiện cắt giảm lãi suất điều hành như 3 lần trong năm 2020 nhưng sử dụng linh hoạt các biện pháp khác nhau để hỗ trợ cho thanh khoản thị trường ở trạng thái dồi dào, như gần như không sử dụng tới các hoạt động thị trường mở, mua ngoại hối và bơm VND ra thị trường.
Theo đó, lãi suất huy động 12 tháng tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất lịch sử, trung bình năm 2021 giảm 1 điểm phần trăm so với mức trung bình của năm 2020.
Lãi suất huy động thấp nhất lịch sử có thể là nguyên nhân khiến tiền gửi từ khu vực dân cư tiếp tục tăng chậm lại. 10 tháng đầu năm, tiền gửi tăng 3,08% trong khi trung bình cùng kỳ các năm gần đây tăng trên 10%; có khả năng một phần dòng tiền gửi từ dân cư đã chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.