Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, ngành Du lịch Hà Giang được định hướng đến năm 2020 trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ, phấn đấu đưa Hà Giang trở thành một trong những địa bàn trọng điểm về du lịch của vùng và cả nước...
Với mục tiêu này, Hà Giang kỳ vọng du lịch sẽ góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên các lợi thế về điều kiện tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, lịch sử, xã hội và được vận hành trên cơ sở nền hành chính cải cách theo hướng cởi mở; nâng cao đời sống vật chất của nhân dân, thu nhập bình quân đầu người đạt mức trung bình khá trong khu vực và khoảng cách ngày càng được rút ngắn so với mức trung bình cả nước.
Hà Giang - địa đầu cực Bắc của Tổ quốc sở hữu di sản thế giới Cao nguyên đá Đồng Văn, Di sản văn hóa Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, mùa hoa tam giác mạch trở thành sức hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước. Với lợi thế này, năm 2015, ngành Du lịch Hà Giang đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ, đón trên 762.600 lượt khách du lịch, tăng 8,9% so với kế hoạch năm và tăng 17,3% so với năm 2014. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 708 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm năm 2014.
Trước kết quả đầy khích lệ năm 2015 cũng như Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt, “ngành công nghiệp không khói” của Hà Giang đang tự tin vào sự tăng trưởng trong năm 2016, tạo tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Ông Hoàng Văn Kiên - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang- cho biết, trong điều kiện còn nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội, đặc biệt là hạ tầng du lịch, chất lượng phục vụ, các dịch vụ còn yếu kém… đang đặt ra rất nhiều thách thức trong phát triển du lịch của Hà Giang.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh, ông Kiên cho hay, địa phương sẽ tiếp tục triển khai xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, thế mạnh như: du lịch cộng đồng, văn hóa, lễ hội, tâm linh, sinh thái, trải nghiệm... Trong đó, xác định sản phẩm du lịch cao nguyên đá là chủ đạo và xây dựng các sản phẩm du lịch danh lam, thắng cảnh làm vệ tinh: Đỉnh Tây Côn Lĩnh, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; thác tiên đèo gió Xín Mần; lòng hồ thủy điện Bắc Mê....; xây dựng một số tuyến du lịch và sản phẩm du lịch mới như: Các khu bảo tồn thiên nhiên gắn với thăm quan làng bản dân tộc; trải nghiệm trên địa bàn.
Đặc biệt, theo lãnh đạo địa phương, yếu tố mang lại sự khởi sắc của du lịch Hà Giang trong thời gian qua phải kể đến nỗ lực thực hiện các hình thức quảng bá, xúc tiến du lịch ở nhiều quy mô khác nhau. Do đó, thời gian tới, Hà Giang sẽ đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc và 6 tỉnh Việt Bắc; quảng bá, xúc tiến du lịch ở trong nước và quốc tế. Tỉnh cũng sẽ chuẩn bị và tổ chức nhiều hoạt động du lịch độc đáo như Lễ hội “Festival khèn Mông”; Tuần du lịch di sản văn hóa các dân tộc Hà Giang; Lễ hội hoa Tam giác mạch…
Ông Hoàng Văn Kiên- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang: Hà Giang sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích phát triển du lịch; chương trình du lịch gắn với phát triển bền vững; chế độ chính sách hỗ trợ cho người trực tiếp trông coi các di tích đã được xếp hạng; đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch… |