Khẳng định vị trí Top 10 cả nước về thu hút FDI năm 2014, quý II/2015, Hà Nam vượt lên trở thành “điểm sáng” cả nước về “hút” đầu tư. “Phép màu” nào giúp Hà Nam “hút” nhà đầu tư trong và ngoài nước như vậy? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo DĐDN có cuộc PV ông Vũ Đại Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam.
Năm 2014 Hà Nam đã cấp chứng nhận đầu tư cho 35 DN (chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư khoảng 320 triệu USD. 44 DN mới hoàn thành đầu tư và đi vào sản xuất, có sản phẩm mới góp phần tạo cho Hà Nam đạt tăng trưởng 13,15% (cao nhất trong ba năm trở lại đây). Đặc biệt, qúy II/2015, các khu công nghiệp của tỉnh đã thu hút được 19 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 243,5 triệu USD, 04 dự án trong nước có vốn đầu tư 518,94 tỷ đồng, 08 dự án FDI và 02 dự án trong nước tăng vốn đầu tư lên 21,2 triệu USD và 61,3 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt 264,7 triệu USD và 580,24 tỷ đồng. Ngoài ra, Hà Nam có thêm 10 dự án đi vào hoạt động sản xuất như Cty SET Vina, Cty Nissho, Cty JY Plasteel… nâng tổng số dự án đi vào hoạt động lên thành 173 dự án, còn lại 46 dự án đang tiến hành đầu tư xây dựng; dự kiến trong 6 tháng cuối năm có thêm 23 dự án đi vào hoạt động.
– Ông có thể nói cụ thể hơn về những giải pháp mà Hà Nam đã triển khai trong thời gian qua để khẳng định “đất lành” DN đến?
Từ khi chủ tịch UBND tỉnh đề ra và thực hiện 10 cam kết với nhà đầu tư không những tạo bước đột phá mang lại hiệu quả trong thu hút đầu tư mà còn tạo điểm nhấn rõ rệt trong việc xây dựng công cuộc cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua của các cấp, các ngành trong công tác rà soát, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục đầu tư (theo quy định thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư: 15 ngày, thực tế thực hiện bình quân: 3 ngày), tạo môi trường đầu tư minh bạch, thân thiện, hấp dẫn các nhà đầu tư.
Nhà máy chế biến của NutiFood – một trong những dự án lớn đầu tư vào tỉnh Hà Nam |
Với 10 cam kết này, chúng tôi đặc biệt quan tâm giải quyết các vấn đề mang tính chất bản chất đối với các DN. Từ việc cấp giấy chứng nhận đầu tư trong thời hạn ngắn nhất đến thành lập DN trong thời hạn nhanh nhất, song song là giao chứng chỉ sử dụng đất, thậm chí là cấp ngay sổ đỏ cho DN. Cùng với đó là hỗ trợ các DN trong thu hút, đào tạo lao động, trước hết là tập trung cho lao động tại chỗ trên địa bàn tỉnh, sau đó là lao động có tay nghề cao từ các địa phương khác… Như vậy, kết quả trên là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị… trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết của lãnh đạo tỉnh đối với các nhà đầu tư. Trong suốt từ năm 2010-2013, Hà Nam đã tập trung xử lý các vấn đề phát sinh trong cộng đồng DN nhất là các DN FDI như: Nhật Bản, Hàn Quốc… trên địa bàn. Nếu có bất cứ vấn đề gì, đồng chí Bí thư, Chủ tịch tỉnh sẽ trực tiếp giải quyết. Từ đó, các DN có sự tin tưởng đối với chính quyền địa phương.
Mặt khác, chúng tôi hình thành các trung tâm hỗ trợ cho các DN, phục vụ, cung cấp thông tin, giải quyết các cơ chế chính sách như Trung tâm Japan Desk, Korea Desk… Ngoài ra, chúng tôi cũng hợp tác với các công ty luật nước ngoài để cung cấp các dịch vụ pháp lý cho các DN nước ngoài khi họ đến Hà Nam, tạo sự tin tưởng vững chắc cho DN.
Bên cạnh đó chúng tôi tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tập trung xúc tiến song phương, thu hút các dự án phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, tập trung vào các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm có ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, dịch vụ các KCN để có quỹ đất sạch, đáp ứng nhu cầu đầu tư. Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng địa bàn tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn.
– Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, ở một số tỉnh, thành vẫn có tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, cán bộ nhũng nhiễu, gây khó cho DN, nhà đầu tư trong công tác cấp thủ tục đầu tư… Thực tế này ở Hà Nam đã được khắc phục như thế nào thưa ông?
Từ giai đoạn 2010 đến nay, Hà Nam cùng với xu hướng chung của cả nước đã chuyển dịch hành chính từ quản trị sang phục vụ. Tất cả các sở, ban, ngành trong tỉnh từ cấp cao nhất cho đến địa phương đều cung cấp dịch vụ phục vụ trực tiếp cho các DN. Vì vậy, sự chậm trễ giữa các cấp hầu như không có. Chúng tôi cũng có những quy định rất rõ ràng, nếu lãnh đạo tỉnh đã giao việc mà các sở, ban ngành chậm chễ trong giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư thì sẽ phải chịu kỷ luật. Sau khi có chủ trương của lãnh đạo tỉnh, công việc các sở ban ngành được thực hiện đúng và nhanh chóng. Trong 10 cam kết của lãnh đạo tỉnh đối với các nhà đầu tư được nêu rất rõ ràng, mạch lạc, giấy chứng nhận đầu tư sẽ được cấp trong vòng một ngày. Những ngày sau có thể cấp chứng chỉ sử dụng đất. Hay việc cấp giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy cũng sẽ được cấp nhanh chóng. Nhờ đó các DN có thể nhanh chóng tiến hành xây dựng cơ sở vật chất phục vụ dự án.
– Năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ được xem là nguyên nhân chính dẫn đến chậm trễ trong việc hoàn thiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư. Vậy vấn đề này đã được Hà Nam quan tâm như thế nào?
Tại Hà Nam, trong những năm qua số lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được cơ cấu hợp lý, được đào tạo có trình độ và năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy công việc.
Mặt khác, để giải quyết công việc một cách nhanh, chủ động và từng bước chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm qua lại hoặc đẩy lên cấp trên, tỉnh quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết công việc của cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu xây dựng bộ máy chuyên nghiệp; Thường xuyên rà soát lại việc quy hoạch các chức danh thuộc diện cán bộ chủ chốt để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu bổ nhiệm cán bộ; Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm nguồn nhân lực kế cận. Đặc biệt, những cán bộ tốt nhất trong từng cơ quan sẽ là người trực tiếp xử lý công việc. Nếu cán bộ không làm được, lãnh đạo sẽ phải trực tiếp thực hiện nhiệm vụ do cấp trên giao. Chính vì vậy, thời gian giải quyết được rút ngắn, sự chỉ đạo đồng bộ từ Tỉnh uỷ, UBND đến tất cả các sở ngành về việc phối hợp cấp giấy phép về môi trường, phòng cháy chữa cháy đều diễn ra đồng bộ. Vì thế, thời gian cho các DN từ khi cấp giấy chứng nhận đầu tư đến khi xây dựng cơ sở vật chất để phục vụ đầu tư là rất ngắn.
– Nhiều nhà đầu tư lợi dụng cơ chế chính sách của tỉnh, trong khi năng lực của họ không đạt yêu cầu, gây chậm trễ việc thực hiện dự án. Trong năm 2014, tỉnh đã kiên quyết xử lý và thu hồi dự án, tạo môi trường đầu tư tốt cho nhà đầu tư như thế nào?
Tỉnh Hà Nam cũng xảy ra tình trạng này và chủ yếu rơi vào các nhà đầu tư tư nhân của Việt Nam. Hà Nam đã có quy định rõ ràng, các DN đầu tư tại tỉnh đều được hưởng chính sách ưu đãi, nhưng những ưu đãi đó chỉ được thực hiện khi DN thực hiện đúng tiến độ dự án. Chúng tôi rất quyết liệt đối với những dự án này, nhằm tạo môi trường đầu tư lành mạnh, hiệu quả. Năm 2014, tỉnh đã thu hồi 3 dự án trong nước.
– Theo ông Hà Nam còn vấn đề gì cần phải khắc phục để cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn nữa?
Chúng tôi luôn có cơ chế xử lý các vướng mắc đối với từng DN. Tuy nhiên, cuộc sống luôn sôi động, biến chuyển hàng ngày. Các DN có thể phát sinh vấn đề bất cứ lúc nào. Vì vậy, năm 2015 chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN cố gắng làm hài lòng nhà đầu tư. Cụ thể, ngày 20/01/2015 vừa qua, tỉnh đã tổ chức gặp mặt trao đổi với các DN đầu tư nước ngoài mục đích xử lý vướng mắc, tri ân đối với các DN. Các DN có mặt đầy đủ, chia sẻ những suy nghĩ chân thành, ghi nhận sự nỗ lực của các cán bộ, công chức, chính quyền địa phương đối với sự phát triển của DN. Hầu hết các vấn đề tồn tại, còn vướng mắc chủ yếu phát sinh từ thể chế chung của TW. Như: vấn đề thị thực cho người nước ngoài, giấy phép lao động cho người nước ngoài, cắt điện… nằm ngoài tầm kiểm soát của tỉnh. Ngoài ra, hầu như không có phản ánh nào về vấn đề thủ tục đầu tư của tỉnh.
– Xin cảm ơn ông!
– Đảm bảo hệ thống cấp nước sạch và xử lý nước thải cho các DN; – Cấp đất làm nhà ở cho công nhân;
– Thủ tục Hải quan thuận lợi;
– Giảm tối đa thời gian của các nhà đầu tư (không quá 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, nhà đầu tư được cấp
Giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kê khai thuế trên mạng, rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai thủ tục và mẫu hóa các văn bản…
– Đáp ứng đủ lao động có chất lượng phù hợp cho các nhà đầu tư;
– Đảm bảo thủ tục và đáp ứng cho việc chuyển đổi phương án sản xuất và nhà đầu tư phụ trợ đi cùng;
– Không có đình công và bãi công; – Đảm bảo an ninh trật tự trong và ngoài DN;
– Thành lập đường dây nóng của
Chủ tịch UBND tỉnh và giải quyết trực tiếp tức thì các thông tin từ các nhà đầu tư.
Theo DĐDN