Dự kiến cuối quý 2/2016 Hà Nam sẽ cơ bản hoàn thành việc triển khai ứng dụng phần mềm “Hệ thống một cửa điện tử” đối với toàn bộ các Sở, các UBND Huyện/Thành phố trên địa bàn toàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Hà Nam và tập đoàn VNPT trong buổi họp sơ kết 1 năm hợp tác chiến lược.
Trong hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Hợp tác chiến lược và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác VT-CNTT năm 2016 giữa Tập đoàn VNPT và UBND tỉnh Hà Nam diễn ra ngày 8/4, chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng cam kết sẽ nỗ lực hết mình để giúp tỉnh Hà Nam đột phá trong xây dựng Chính quyền điện tử.
Thỏa thuận hợp tác toàn diện trong lĩnh vực VT-CNTT đã được UBND tỉnh Hà Nam và Tập đoàn VNPT ký kết từ tháng 8/2014 với mục tiêu là hoàn thiện hạ tầng VT-CNTT, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đảm bảo an toàn thông tin và đạo tạo nguồn nhân lực phục vụ việc xây dựng chính quyền điện tử hiện đại của tỉnh Hà Nam.
Đánh giá kết quả sau 1 năm triển khai cụ thể hóa các nội dung đã thỏa thuận, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông cho biết hạ tầng kỹ thuật, đường truyền kết nối, hạ tầng máy chủ, lưu trữ cơ sở dữ liệu… đã sẵn sàng để đáp ứng mọi yêu cầu về triển khai Chính quyền điện tử của tỉnh.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua VNPT đã phối hợp triển khai và đưa vào sử dụng chính thức mạng truyền số liệu chuyên dùng cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh kết nối đến các sở, ban, ngành tỉnh và 6 huyện/ thành phố và kết nối đường Mega-wan bằng cáp quang cho 116 Đảng ủy xã, phường, thị trấn phục vụ cho mạng dùng riêng cho cơ quan Đảng từ Tỉnh ủy tới các Đảng ủy xã, phường.
Được sự đồng ý của UBND tỉnh Hà Nam, Tập đoàn VNPT đã và đang triển khai phần mềm Một cửa và Dịch vụ công trực tuyến tại 26 sở, ngành, UBND huyện/thành phối trong tỉnh. Hiện đã thực hiện triển khai xong “Hệ thống một cửa điện tử” tại Sở Thông tin truyền thông tỉnh, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam, đồng thời đã và đang tiếp tục triển khai trên diện rộng ứng dụng phần mềm này tại Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Xây dựng tỉnh Hà nam, UBND thành phố Phủ Lý và UBND 5 Huyện Lý Nhân, Bình Lục,Thanh Liêm, Duy Tiên, Kim Bảng…
Dự kiến cuối Quý 2/2016 cơ bản sẽ hoàn thành xong việc triển khai ứng dụng phần mềm này đối với các Sở, các UBND Huyện/Thành phố trên địa bàn toàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Mai Tiến Dũng cho biết, quan điểm của tỉnh là sẽ thuê trọn gói dịch vụ CNTT để xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, giảm chi phí đầu tư và nhân lực. Mong muốn của lãnh đạo tỉnh Hà Nam là tỉnh có thể thực hiện một sự cải cách thực sự, không chỉ là cải cách trong hành chính mà phải là sự cải cách trong tư duy.
Bảo Khánh / dantri.com.vn