UBND TP Hà Nội đề nghị nghiên cứu, lựa chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo để báo cáo xin chủ trương từ các cấp có thẩm quyền.
Hà Nội yêu cầu phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo phải phù hợp với cảnh quan, yêu cầu thoát lũ, thông thuyền để đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, mỹ thuật
UBND TP. Hà Nội vừa thống nhất một số nội dung quan trọng về phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên, cụ thể là nút giao thông hai đầu cầu, các điểm kết nối đối với các tuyến đường hiện hữu và tuyến đường ven sông dự kiến, hạn chế giải phóng mặt bằng.
“Tuy nhiên, phương án kiến trúc cầu cần phải nghiên cứu phù hợp với cảnh quan, hình thức kiến trúc hai bên, bề rộng lòng sông, yêu cầu thoát lũ, thông thuyền để bảo đảm các yếu tố và kỹ thuật, mỹ thuật. Việc lựa chọn các phương án kiến trúc cầu hiện đại hay cổ điển cần phải được thuyết trình kỹ, bảo đảm phương án lựa chọn phù hợp, tối ưu, thuận tiện cho việc duy tu, bảo dưỡng”, văn bản nêu.
UBND TP.Hà Nội cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội tổ chức hội đồng lựa chọn phương án, báo cáo UBND thành phố và chuẩn bị hồ sơ báo cáo Thường trực Thành ủy, ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để xin chủ trương.
Trước đó, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) đã đề xuất phương án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng.
Theo đề xuất của TEDI, cầu Trần Hưng Đạo có chiều dài khoảng 5,5km, gồm: cầu, đường dẫn và nút giao hai đầu cầu; trong đó phần cầu vượt sông dài 2,4km.
Điểm đầu dự án tại ngã năm nút giao với đường Lê Thánh Tông - Trần Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng); điểm cuối sau khi vượt qua đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5) sẽ kết nối với đường quy hoạch tại phường Việt Hưng (quận Long Biên).
Về quy mô, cầu được nghiên cứu xây dựng rộng 31m, bảo đảm 6 làn xe cơ giới và 2 dải đi bộ, tốc độ thiết kế 80km/h.