Hàng loạt showroom kinh doanh ô tô cũ dọc tuyến đường Phạm Hùng, Nguyễn Xiển (Hà Nội) đang trong tình trạng khó khăn do lượng khách mua thưa thớt dù cửa hàng liên tục hạ giá.
"Cửa hàng ế nhiều ngày nay. Khách đến xem còn ít chứ chưa nói đến khách mua. Mỗi tuần chỉ bán được một hai chiếc, có tuần còn trắng sổ", anh Nam, chủ cửa hàng chợ ô tô tại Phạm Hùng (Nam Từ Liêm), chia sẻ. "Ngược lại, cửa hàng vẫn phải chịu nhiều chi phí để duy trì, nặng nhất là tiền mặt bằng".
Theo chủ showroom xe cũ này, thời điểm chưa bùng dịch Covid-19, cửa hàng kinh doanh khá tốt với lượng ô tô bán được một tuần trên chục chiếc. Song với tình hình hiện nay, anh Nam còn không dám thu mua xe vì "có nhập không bán được, mà xe càng để lâu càng lỗ".
Toyota Vios, Hyundai Accent, Grand i10 hay Kia Morning là những dòng xe bán chạy trước kia nhưng giờ cũng trở nên ế ẩm. Theo anh Nam, một lượng lớn khách mua những dòng ô tô này để chạy dịch vụ nhưng nay ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu di chuyển ít nên nhiều tài xế cũng chuyển hướng kinh doanh.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi các hãng cũng liên tục giảm giá nhiều dòng ô tô mới. "Những xe tầm 500 triệu được hãng giảm giá khoảng 50 triệu, xe tiền tỷ thì giảm tầm 100 triệu đồng nên khách mua xe lướt lại chuyển sang mua xe mới", anh Vũ Thanh Toàn, chủ một cửa hàng kinh doanh ô tô cũ tại Nguyễn Chánh nói.
Theo chủ gara này, một số xe vừa mua được vài ngày, đang tìm khách thì hãng giảm giá. "Không nói quá nhưng thời buổi này không kinh doanh thì còn bảo toàn được vốn, càng kinh doanh càng dễ lỗ". anh Toàn than. "Một số xe nhập từ trước nay phải cắt lỗ, các xe khác thì giảm giá vài chục triệu hoặc bán hòa để thu hồi vốn vì mình cũng phải đi vay vốn, trả lãi".
Nhiều chính sách hỗ trợ trả góp lên tới 70% nhưng nhiều cửa hàng vẫn trong tình trạng ế ẩm.
Để cải thiện phần nào, anh Hiệp quản lý một showroom ô tô tại đường Nguyễn Xiển (Hà Nội) đã mở một số kênh truyền thông trên mạng xã hội để quảng bá, tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
"Tôi nghĩ rằng người muốn mua ô tô tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều. Có điều, thời điểm này nhu cầu đi lại ít, ai cũng giữ thế "phòng thủ" nên mua xe lúc này không phải lựa chọn ưu tiên của họ. Ế khách, vừa là động lực để mình thay đổi cũng vừa có thêm thời gian làm truyền thông", Hiệp kể.
Một chuyên gia trong ngành xe nhận xét, đây là thời điểm khó khăn chung của thị trường ô tô Việt Nam và các cửa hàng kinh doanh xe cũ không ngoại lệ. "Ba tháng liên tiếp, doanh số toàn ngành đi xuống, thậm chí khu vực TP Hồ Chí Minh còn bị "đóng băng" hoàn toàn do dịch Covid-19", ông cho hay.
Tình hình được nhận định sẽ còn khó khăn cho hãng xe và đặc biệt là các cửa hàng kinh doanh ô tô cũ khi diễn biến dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp. Trong khi đó, quãng thời gian tới sắp rơi vào tháng 7 âm lịch, thời điểm không ít người Việt có quan điểm tránh mua ô tô cũng như các tài sản lớn.