Sẵn sàng dành nhiều ưu đãi về vốn, hỗ trợ xây dựng hạ tầng và tạo cơ chế thông thoáng…, Hà Nội đang tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN- TTCN) trên địa bàn thành phố phát triển.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng thăm xưởng sản xuất của gia đình nghệ nhân Ttrần Đức Tân |
Theo ông Đàm Tiến Thắng - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó, 198 làng nghề truyền thống được công nhận. Các làng nghề CN- TTCN cũng thu hút trên 626,5 nghìn lao động với trên 166,3 hộ sản xuất. Năm 2015, giá trị sản xuất của khu vực làng nghề đạt trên 7.658 tỷ đồng, chiếm 8,4% giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố, trong đó, giá trị sản xuất của 274 làng nghề được công nhận đạt trên 6.077 tỷ đồng. Nhiều cơ sở sản xuất đã tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, máy móc thay thế một số công đoạn thủ công, vì vậy năng suất, chất lượng đã tăng đáng kể. Cũng theo ông Đàm Tiến Thắng, làng nghề CN-TTCN trên địa bàn thành phố mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển. Cụ thể, mặt bằng tại các làng nghề chật hẹp chỉ đáp ứng từ 25- 30% nhu cầu, xưởng sản xuất chủ yếu được xây dựng tại gia đình khó có thể đầu tư đổi mới công nghệ; vốn cho sản xuất- kinh doanh của các cơ sở phần lớn là vốn tự có; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa; tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề đã tới mức báo động, đặc biệt ở các làng nghề chế biến thực phẩm, cơ khí…
Đáng chú ý, việc phát triển cụm công nghiệp (CCN) cũng như di dời cơ sở sản xuất vào các cụm cũng rất khó triển khai, do giá thuê đất quá cao, vượt khả năng đáp ứng. Nghệ nhân Trần Đức Tân- Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Thịnh (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội)- cho biết: Để một cơ sở sản xuất di dời ra CCN vốn đầu tư là khoảng 10 tỷ đồng, bao gồm: Tiền thuê đất, xây dựng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị. Trong khi đó, hầu hết các cơ sở sản xuất tại làng nghề có quy mô nhỏ, tài chính hạn chế. “Việc vay vốn ngân hàng cũng rất khó khăn, bình quân mỗi cơ sở chỉ vay được khảng 100 triệu đồng, chỉ đủ đầu tư thiết kế, sản xuất một bộ sản phẩm mẫu mới”- ông Tân chia sẻ thêm.Trước những vướng mắc trên, Hà Nội đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ cho phát triển làng nghề. Thông qua chương trình khuyến công, thành phố đã tổ chức 97 lớp truyền nghề cho 3.395 lao động; tổ chức Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ TP. Hà Nội thu hút 3.000 khách thương mại, trong đó có 625 nhà nhập khẩu nước ngoài ký kết 10 hợp đồng với giá trị 300.000 USD.Thành phố cũng hỗ trợ 5 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thuê tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm; 3 dự án đầu tư đổi mới thiết bị…
Tại buổi làm việc với Sở Công Thương TP. Hà Nội về tình hình phát triển làng nghề CN-TTCN, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng - cho rằng: Các làng nghề trên địa bàn thành phố đang phát triển một cách tự phát và cần được hỗ trợ phát triển bền vững hơn. Một trong những giải pháp quan trọng là hình thành các CCN nhằm tạo mặt bằng sản xuất, di dời các cơ sở, doanh nghiệp ra khỏi làng nghề.Tuy nhiên, Hà Nội cần có chính sách về giá thuê đất, cơ sở hạ tầng… riêng cho các CCN làng nghề, sao cho việc di dời của các cơ sở đỡ khó khăn và thuận lợi hơn trong việc sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội: Hà Nội hiện đã có 43 CCN, tỷ lệ lấp đầy đạt cao. Hà Nội cũng đã nỗ lực đưa giá thành thuê đất trong các CCN xuống mức thấp nhất trong khung theo quy định. |