Sáng ngày 6/10, tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, UBND TP. Hà Nội phối hợp với Liên danh Tập đoàn BRG và Sumitomo Corporation (Nhật Bản) chính thức tổ chức lễ động thổ và công bố dự án Thành phố thông minh với tổng mức đầu tư 4,138 tỷ USD.
Dự án Thành phố Thông minh là dự án có vốn đầu tư nước ngoài do liên danh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo Corpration (Nhật Bản) đầu tư phát triển với tổng mức đầu tư 4,138 tỷ USD. Đây là một trong những dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại Lễ động thổ và công bố dự án Thành phố Thông minh
Phát biểu tại lễ động thổ và công bố dự án Thành phố Thông minh, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Đây là dự án quản lý đô thị hiện đại, ứng dụng các công nghệ mới trong vận hành, quản lý đồng bộ các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội từ các nhà đầu tư".
Theo đó, Dự án sẽ góp phần thúc đẩy, rút kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề về quy hoạch, hạ tầng giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế, môi trường phát triển theo hướng bền vững, dựa trên nền tảng công nghệ số thông minh tại các khu đô thị, nhằm mang đến cho người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn, thuận lợi hơn.
Khu đô thị này cũng phù hợp với chủ trương giãn dân nội đô và phát triển đô thị phía bắc sông Hồng củaTP. Hà Nội, phù hợp với định hướng của Trung ương. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định Hà Nội là một trong 3 thành phố của Việt Nam xây dựng Thành phố thông minh vào năm 2025, tầm nhìn năm 2030.
"Lễ động thổ và công bố dự án Thành phố Thông minh hôm nay đánh dấu sự khởi đầu trong việc triển khai xây dựng Thành phố thông minh đầu tiên của Việt Nam và đầu tiên tại Hà Nội. Đây là kết quả sự nỗ lực của liên danh Sumimoto và Tập đoàn BRG trong công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện dự án", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đánh giá.
Đồng chí Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội cam kết nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo, trong việc xây dựng các mối quan hệ với các nhà đầu tư để cùng nhau phát triển. Thành phố luôn coi sự thành công của các nhà đầu tư, của các doanh nghiệp chính là sự thành công của thành phố.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định, dự án Thành phố Thông minh đánh dấu bước tiến mới trong việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Hiện nay, việc xây dựng và phát triển thông minh các khu đô thị đã trở thành xu hướng toàn cầu.
Phối cảnh Dự án Thành phố Thông minh
Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã có những bước đi và sự chủ động để đón xu thế này, mà một trong những thể hiện rõ nét nhất là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh của Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030. Sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sự kiện này khẳng định cam kết, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển đô thị thông minh và thúc đẩy các đô thị trở thành một trong những động lực cơ bản và quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ trưởng khẳng định, liên danh Tập đoàn Sumitomo và Tập đoàn BRG là những tập đoàn có tiềm lực trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đầu tư, đã thể hiện sự chu đáo trong việc thực hiện dự án. Các đơn vị liên quan của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản, đặc biệt là TP. Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc khởi động và thực hiện dự án.
Lễ động thổ và công bố dự án Thành phố Thông minh là hoạt động thiết thực trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2019)
Dự án được lập dựa trên quy hoạch đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân – Nội Bài, chiều dài khoảng hơn 11km, từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài. Toàn bộ dự án sẽ được triển khai theo 5 giai đoạn, giai đoạn cuối dự kiến hoàn thành vào năm 2028. Theo ý tưởng quy hoạch của Công ty Tư vấn P&T Consultants Pte Ltd (Hồng Kông), dự án sẽ tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long - Hà Nội dựa trên ý tưởng chính là "Rồng đón ngọc" với xương sống chính là tuyến đường cao tốc kết nối từ sân bay về trung tâm thành phố, đầu Rồng quay về sông Hồng - Hồ Tây. Kiến trúc của thành phố được quy hoạch theo hướng thân thiện với thiên nhiên, sử dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực năng lượng, giáo dục, sức khỏe, nước sạch… Điểm nhấn kiến trúc của thành phố này là tòa tháp tài chính dự kiến cao 108 tầng, nằm ngay điểm đầu vào cửa ngõ Thủ đô nhìn về cầu Nhật Tân. Điểm nổi bật của dự án là sẽ áp dụng nhiều công nghệ thông minh với 6 yếu tố như, năng lượng thông minh, giao thông thông minh, quản trị thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh và kinh tế thông minh. Hệ thống quản lý tòa nhà thông minh và công nghệ năng lượng tái tạo cũng sẽ được ưu tiên áp dụng nhằm tối ưu hóa nguồn cung và lưu trữ năng lượng. Dự án cũng dự kiến triển khai hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường, kết nối khu vực thành phố thông minh với trung tâm Hà Nội bằng hệ thống đường giao thông đô thị và tàu điện. Đồng thời, Dự án sẽ lắp đặt hệ thống giám sát và cảnh báo thông minh đa chức năng nhằm giám sát chất lượng không khí, nước, thời tiết, nguy cơ thảm họa cũng như an ninh, đảm bảo an toàn tối đa cho cư dân .Dự án cũng sẽ ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào trong cuộc sống như công nghệ 5G, nhận diện khuôn mặt và công nghệ blockchain, góp phần cải thiện các dịch vụ của TP. Hà Nội. |
Thanh Nga