15 năm sau khi mở rộng địa giới hành chính, diện mạo TP Hà Nội đã đổi thay, khang trang và hiện đại hơn. Nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát, hạ tầng giao thông cũng được đổi mới.
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, từ một thành phố với dân số và diện tích vừa phải, tới nay Hà Nội đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành Thủ đô lớn thứ 17 thế giới với diện tích hơn 3.300km2, mức dân số lên tới hơn 8,5 triệu người.
Trong ảnh, hồ Gươm nằm ở trung tâm TP Hà Nội. Phía xa là những dãy nhà trùng điệp thuộc quận Hoàng Mai ở phía tây Thủ đô.
Tốc độ đô thị hóa của Hà Nội sau 15 năm chuyển mình rõ rệt với việc mọc lên rất nhiều tòa cao ốc, công trình giao thông, đô thị ở khắp các quận, huyện.
Trong ảnh, khu vực Quảng trường Ba Đình vẫn còn giữ được mảng không gian xanh và ít nhà cao tầng. Tuy nhiên, ở phía xa về phía tây và tây nam (thuộc địa phận quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và quận Thanh Xuân) mọc lên "trùng điệp" cao ốc từ khoảng 20 đến 70 tầng.
Cầu Long Biên trăm tuổi vẫn sừng sững chứng kiến sự phát triển của Hà Nội theo năm tháng.
Thời điểm hợp nhất (tháng 8/2008) Thủ đô Hà Nội với dân số ở mức 6,2 triệu người, gồm 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn. Sau 15 năm phát triển, đến nay dân số đã lên mức hơn 8,5 triệu người (gấp 1,37 lần so với thời điểm sáp nhập), có 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.
Những tòa nhà "chọc trời" ở Hà Nội xây dựng sau dấu mốc 2008 như Keangnam (72 tầng) và Lotte Center Hanoi (63 tầng) từng là những tòa nhà cao nhất, nhì Việt Nam.
Quận Cầu Giấy có tốc độ phát triển mạnh mẽ nhất Hà Nội. Cùng với huyện Từ Liêm (cũ), đây cũng là địa giới kết nối TP Hà Nội (cũ) với tỉnh Hà Tây trước khi sát nhập năm 2008.
Tòa nhà Viettel nằm trong địa giới quận Cầu Giấy với kiến trúc đặc biệt cùng màu xanh nổi bật, vây quanh bởi hàng loạt công trình tòa nhà văn phòng, chung cư, bệnh viện...
Quận Cầu Giấy tập trung rất nhiều khu đô thị, tòa nhà văn phòng, trường học, cơ sở kinh doanh... nên mật độ dân số khá đông đúc.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Thủ đô, vận hành chính thức từ cuối năm 2021, tới nay đã trở thành phương tiện công cộng được rất nhiều người dân lựa chọn.
Đây cũng là một trong những giải pháp về phương tiện giao thông công cộng trong thời điểm mật độ các tòa nhà tăng lên chóng mặt ở Thủ đô. Dân cư tăng kéo theo phương tiện cá nhân tăng, vì vậy tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội chưa được cải thiện nhiều năm qua.
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông nằm lọt giữa những tòa nhà cao tầng, kết nối trung tâm Hà Nội tới quận Hà Đông.
Đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm) trở nên nhỏ bé trước những tòa cao ốc mọc lên sừng sững 2 bên đường.
Dày đặc các tòa nhà mọc lên hướng đường Phạm Văn Đồng (quận Nam Từ Liêm) cho thấy Hà Nội ngày càng chật chội.
Khu vực quận Long Biên nằm bên kia sông Hồng cũng đã mọc lên những công trình lớn, nhiều cao ốc hơn 30 tầng.
Sân vận động Mỹ Đình khánh thành năm 2003, khi đó xung quanh vẫn chủ yếu là đồng ruộng. Sau 20 năm, quỹ đất quanh sân dường như không còn, thay vào đó là dày đặc nhà cao tầng mọc lên san sát.
Cầu Nhật Tân là một trong những công trình tiêu biểu nhất được xây dựng ngay sau giai đoạn Hà Nội sáp nhập. Khởi công tháng 3/2009 và đến 2015 cây cầu mới khánh thành và đưa vào sử dụng.