165 chuyến bay của Vietnam Airlines và cũng chừng ấy chuyến bay của Vietjet, rồi Bamboo Airways bị tê liệt, ảnh hưởng dây chuyền không thể đo đếm hết được từ sự cố chệch đường cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Sân bay đã đóng cửa suốt từ trưa đến đêm ngày 14-6 và phải mở lại vì chỉ vì cả sân bay chỉ có 1 đường cất hạ cánh hoạt động.
Sự cố của tàu bay VJ 322 của Vietjet tại sân bay Tân Sơn Nhất trưa ngày 14-6 Ảnh: Nguyễn Trọng Khang (Diễn đàn hàng không)
Sự cố tàu bay VJ 322 của hãng Vietjet bị trật khỏi đường cất hạ cánh 25L tại sân bay Tân Sơn Nhất trưa ngày 14-6 đã khiến sân bay Tân Sơn Nhất đã lập tức phải đóng cửa. Và thay vì mất 2 giờ để khắc phục sự cố, ít nhất 6 tiếng sau đó, sân bay mới có thể hoạt đông trở lại và sáng ngày 15-6, mới đưa được chiếc tàu bay gặp nạn ra khỏi vị trí tiếp đất sai.
Dù không có ai bị thương và thiệt hại trực tiếp, cũng như nguyên nhân của sự cố chưa được kết luận nhưng sân bay Tân Sơn Nhất bị tê liệt trong nhiều giờ, ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác của tất cả các hãng hàng không, đã cho thấy: hạ tầng sân bay rất kém và phương án dự phòng cho những tình huống khẩn cấp chưa theo kịp tình hình. Bởi lẽ, đường cất hạ cánh 25L, nơi tàu bay của Vietjet Air gặp sự cố phải đóng cửa thì mới biết rằng, tại thời điểm này chỉ còn đường cất hạ cánh đó đang khai thác.
Đường cất hạ cánh còn lại là 25R đã đóng cửa để phục vụ công tác khảo sát, nâng cấp như quyết định mới đây của Thủ tướng, giao lại cho Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Đường cất hạ cánh 25R được mở lại, vẫn là lựa chọn duy nhất cho Tân Sơn Nhất trong tình huống ngặt nghèo này.
Đây là thời điểm mà tất cả các chuyến bay quốc tế đều đóng cửa do dịch bệnh Covid-19, trừ một số chuyến bay từ Đài Loan qua Tân Sơn Nhất. Nếu không, thiệt hại cho hành khách và các hãng là vô cùng lớn vì nhiều hãng phải bay vòng trên trời, chuyển sân bay hạ cánh hoặc quay về nơi xuất phát.
Sự cố này cho thấy, hạ tầng ở sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ cho công tác khai thác bay là vô cùng thiếu thốn.
Sân bay Tân Sơn Nhất hiện có hai đường cất hạ cánh đều đã được cải tạo và nâng cấp qua nhiều năm. Đến nay, hai đường cất hạ cánh vẫn đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác bay song đã vượt tần suất khai thác tính toán thiết kế ban đầu, cần đầu tư nâng cấp tiếp.
Đồng thời, hiện nay các hãng hàng không đều khai thác các loại tàu bay có tải trọng và thiết kế kỹ thuật lớn hơn so với năng lực cung cấp tại sân đỗ.
Tại Tân Sơn Nhất, các đường lăn vẫn đảm bảo hoạt động song thiếu các đường lăn thoát nhanh, đường lăn nối làm kéo dài thời gian vận hành trên khu bay của tàu bay đi và đến, làm giảm năng lực khai thác.
Tại sân bay Nội Bài cũng chịu cảnh tương tự. Đường cất hạ cánh 1A đã cải tạo năm 2015 nhưng cũng chuẩn bị đến hạn cần đại tu, thay thế kết cấu mới để đảm bảo yêu cầu sử dụng vào thời điểm này. Lý do cũng như sân bay Tân Sơn Nhất là hiện Nội Bài đang khai thác nhiều loại tàu bay có trọng tải và thiết kế hiện đại hơn năng lực sân đỗ. Một đường lăn ở đây được xây dựng từ năm 1976 cũng phải thường xuyên sửa chữa.
Do hiện trạng này, cộng với sản lượng vận chuyển hành khách tại hai sân bay tăng trưởng hàng năm bình quân 15-17,2% (2010-2016), nên muốn đáp ứng được sản lượng vận chuyển hành khách mỗi năm một tăng từ nay đến năm 2025 thì hệ thống khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn...) tại hai sân bay đều cần phải xây dựng bổ sung hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, nếu không sẽ quá tải về năng lực khai thác trong năm năm tới.
Bộ GTVT và Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) đã trình Chính phủ phương án cải tạo đường cất hạ cánh và các nút đường lăn nối tại Tân Sơn Nhất từ tháng 8-2018. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng mới hai đường lăn thoát nhanh giữa hai đường cất hạ cánh và một đường lăn song song giữa đường cất hạ cánh với đường lăn hiện hữu.
Tại Nội Bài, giai đoạn 1 sẽ cải tạo đường cất hạ cánh 1B và xây dựng các đường lăn nối. Sau đó, giai đoạn 2 nâng cấp đường lăn còn lại.
Tuy nhiên, phải đến trung tuần tháng 4 vừa qua, Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 41 thống nhất dự án cải tạo đường cất hạ cánh và đường lăn tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo hình thức chỉ định thầu đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp.
Bộ GTVT đã tính toán và chỉ có 3 doanh nghiệp có thể được giao làm Ban quản lý 2 dự án nâng cấp sân bay là ACV, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) và Ban quản lý dự án Thăng Long. ACV phải giao lại hồ sơ thiết kế cho CIPM và Ban quản lý dự án Thăng Long để thực hiện cải tạo hai sân bay này.
Để đẩy nhanh thủ tục với tính chất dự án khẩn cấp, Bộ GTVT sẽ giữ vai trò chủ đầu tư cả 2 dự án nói trên. Trong đó, bộ giao cho CIPM tổ chức quản lý dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất. Ban quản lý dự án Thăng Long tổ chức quản lý dự án đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Nội Bài.
Nếu dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh ở hai sân bay được phê duyệt sớm hơn, việc ứng phó với sự cố cũng nhanh hơn, giảm thiểu được thiệt hại cho các hãng và khách hàng, không kéo dài như tại Tân Sơn Nhất chiều 14-6.