Sáng nay, 26/8, tại Trung tâm Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Tp Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Hội nghị Thông tin kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Tại Hội nghị, GS. TS Mai Trọng Nhuận đã đại diện cho nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả đánh giá môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung trong thời gian vừa qua.
Theo đó, trên cơ sở kết quả phân tích của 1.080 mẫu (tháng 5), 331 mẫu tháng 6 và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8), so sánh, đối chiếu với quy chuẩn Việt Nam (QCVN 10-MT:2015/BTNMT) về chất lượng nước biển cho thấy, về cơ bản các thông số lý hóa, nhóm hợp chất hữu cơ và tổng Coliform đều nằm trong ngưỡng cho phép.
Riêng các thông số sắt, tổng lượng phenol và xyanua (là nguyên nhân chính gây ra sự cố môi trường) có biến động theo hướng giảm dần. Đối với sắt, kết quả quan trắc vào tháng 5/2016 có 3,8% số mẫu vượt ngưỡng; đến tháng 6/2016 có 1,8% mẫu vượt ngưỡng. Hàm lượng xyanua tháng 5/2016 giao động từ 0,002-0,1 mg/l, lớn hơn nhiều so với tháng 6/2016 (giá trị cao nhất là 0,002ug/l) và đều nằm trong ngưỡng cho phepscuar QCVN. Hàm lượng phenol trong nước vào tháng 5/2016 hầu như không phát hiện hoặc phát hiện mức thấp. Tuy nhiên đến tháng 6/2016 tăng lên 2,7% mẫu vượt ngưỡng. Đến nay, hàm lượng này đã giảm xuống dưới ngưỡng.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hệ sinh thái rạn san hô cỏ biển và nguồn lợi thủy sản đã có dấu hiệu phục hồi
Chất lượng môi trường nước biển và trầm tích biển tại khu vực được quan trắc ở 4 tỉnh miền Trung nằm trong giới hạn quy định, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy hải sản và bảo tồn thủy sinh. Tuy nhiên, do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, có một số thông số môi trường cao hơn ở khu vực cách bờ biển 1,5km thuộc Sơn Dương (Hà Tĩnh), Nhật Lệ (Quảng Bình), hòn Sơn Chà (Thừa Thiên Huế). Hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản đã có dấu hiệu phục hồi.
Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận cho biết thêm, hiện tại, với việc biển tự hồi phục thì việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như nước ngoài để làm sạch môi trường biển là chưa cần thiết và nếu đưa công nghệ tiến tiến vào để giải quyết vấn đề môi trường biển cần phải được đánh giá và nghiên cứu rất chi tiết. Các chuyên gia, các nhà khoa học cho rằng, trước mắt các tỉnh miền Trung cần bảo tồn những vùng có nguồn lợi hải sản, hoặc thả bào ngư ở khu vực có rạn san hô để chúng bảo vệ làm sạch môi trường biển.
Tại Hội nghị, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, lãnh đạo Hà Tĩnh đã có buổi làm việc với Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, yêu cầu Công ty Formosa thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về khắc phục triệt để, lắp đặt hoàn thiện công nghệ, tuyệt đối không được tái vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Hiện tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung thống kê đối tượng được hỗ trợ do sự cố môi trường, thành lập các ban để đánh giá và hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.
Thế An / baodautu.vn