Một đồi cát trắng tinh tựa như thung lũng tuyết, nơi còn lại đỏ rực, đều chuyển nhiều màu trong ngày.
Bàu Trắng (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình), cách TP. Phan Thiết khoảng 5km, là cảnh đẹp nhiều du khách tìm đến khi du lịch Bình Thuận. Hai làn tỉnh lộ băng qua đây được ví như cung đường phủ tuyết bởi màu cát đặc trưng. Ảnh: Van Ngo
Các đồi cát ở Bàu Trắng được gió biển thổi vào tạo thành những triền cong mềm mại, với độ dốc thoai thoải. Du khách có thể đi bộ dọc theo những triền cát để ngắm cảnh, chụp hình. Ảnh: Đăng Dương
Vì nằm ở địa phận xa nhất tỉnh Bình Thuận, giáp ranh Ninh Thuận, trước đây Bàu Trắng thường chỉ thu hút những du khách đi phượt bằng xe máy hay ôtô riêng. Năm 2018, chiếc xe bán nước màu vàng ven đường thu hút nhiều bạn trẻ đến check-in. Ảnh: @teadann/Instagram
Theo tiếng địa phương, "bàu" nghĩa là hồ. Nơi đây từng là một hồ nước lớn đổ ra biển. Sau này hồ bị cát vùi lấp và người dân đắp thêm để làm đường đi, vùng nước còn lại hai hồ nhỏ là Bàu Ông và Bàu Bà. Vào mùa hè, Bàu Bà có hoa sen, súng nở rộ, bao quanh bởi rặng phi lao cao, là cảnh đẹp nổi bật giữa sa mạc trắng.
Ngoài ra, du khách đến Bàu Trắng còn có thể trải nghiệm một số trò giải trí như đi thuyền máy, tự chèo ván đứng (SUP) hay kayak, câu cá, phi xe tốc độ cao trên đồi cát, cắm trại dã ngoại... Ảnh: Hồng Hà
Tùy góc của mặt trời hay độ che phủ của mây, cát trắng ở Bàu Trắng có thể chuyển màu vàng nhạt, khiến không ít du khách lầm tưởng đến nhầm chỗ. Ảnh: Diêm Đăng Dũng
Thu hút đông đảo du khách hơn cả là đồi cát Mũi Né (phường Mũi Né, TP. Phan Thiết), có màu cát "nóng bỏng". Đồi cát vàng, đồi cát đỏ hay đồi cát bay là các tên gọi của nơi này, dựa theo màu sắc và hình dáng triền cát thay đổi trong ngày. Màu cát thay đổi theo nhiều sắc độ đậm nhạt của vàng, đỏ, hồng, cam, nâu... trên cả một vùng lớn hoặc trộn lẫn. Ảnh: Belovodchenko Anton/Shutterstock
Đồi cát Mũi Né được cho là hình thành từ mỏ sắt cổ tồn tại hàng trăm năm, do đó mang sắc đỏ chủ đạo. Cát đỏ Mũi Né được các nhà khoa học quốc tế đã thẩm định đạt yêu cầu để làm nguyên liệu cho nghệ thuật điêu khắc trên cát. Một công viên điêu khắc tượng cát ở TP Phan Thiết đã sử dụng cát Mũi Né tự nhiên trộn nước để tạo nên những bức tượng đẹp mắt. Ảnh: Hồng Hà
Những ai hứng thú với cảm giác mạnh không nên bỏ qua trải nghiệm phi xe tốc độ ở đồi cát Mũi Né. Tài xế sẽ đưa khách "bay" một vòng qua những triền cát nhấp nhô. Du khách có thể chọn môtô hai bánh cho hai người, xe địa hình 4 bánh dành cho ba người hoặc xe jeep chở bốn người, với giá khoảng 400.000 - 600.000 đồng một xe trong 20 phút. Khách có thể tự lái, song trò chơi khuyến cáo không dành cho người mắc bệnh tim. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Trò chơi "đặc sản" ở đồi cát Mũi Né là trượt cát. Người dân địa phương ôm những tấm nhựa mỏng chào mời khách ngồi lên trượt từ đỉnh đồi cát xuống, với giá 10.000 - 20.000 đồng một lượt. Các đồi cát ở Mũi Né cao hơn Bàu Trắng nên có độ dốc lý tưởng cho trò chơi này. Ảnh: Tâm Linh