Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng cho biết, từ đầu năm đến nay, Thành phố đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 2 tỷ USD. Trong đó, có 27 dự án được cấp mới và 19 dự án điều chỉnh tăng vốn. Trong thời gian tới, dự kiến có thêm 2 dự án đầu tư vào Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, với tổng vốn hơn 1 tỷ USD. Đây sẽ trở thành điểm nhấn trong bức tranh thu hút đầu tư của Hải Phòng.
Đến nay, trong các khu công nghiệp và Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải tại Hải Phòng có 217 dự án có vốn đầu tư FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 9,898 tỷ USD. Các dự án FDI tại Hải Phòng tập trung vào công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo các thiết bị điện tử, chi tiết và linh kiện công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, các sản phẩm đất hiếm... Chẳng hạn, Dự án sản xuất linh phụ kiện cho máy giặt, tủ lạnh và xe có động cơ với tổng vốn đầu tư 42,25 triệu USD của nhà đầu tư SL Electronics Co., Ltd. (Hàn Quốc) và mới đây là Dự án Nhà máy kính năng lượng mặt trời Flat Việt Nam của Công ty TNHH Flat (Hồng Kông) với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD...
Một dự án nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải
Ông Lê Trung Kiên, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đang áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân dành cho khu kinh tế ven biển (miễn 4 năm, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân) để đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Hiện tại, Tràng Duệ là khu công nghiệp thu hút được nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn vào Hải Phòng, với tổng vốn đầu tư trong 2 năm 2015 - 2016 đạt gần 3,8 tỷ USD. Giai đoạn I của khu công nghiệp này với diện tích 187 ha đã được lấp đầy các dự án. Giai đoạn II với diện tích 214 ha cũng đã lấp đầy 70% diện tích.
Nổi bật nhất trong năm 2016 là việc thu hút được dự án 1,5 tỷ USD của LG Display Co., Ltd (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng. Đây là dự án tỷ USD thứ hai của Tập đoàn LG đầu tư vào Hải Phòng.
Cũng trong 2 năm (2015 – 2016), Khu công nghiệp Đình Vũ và Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng thu hút được nhiều dự án lớn, với vốn đầu tư tương ứng là 2,1 tỷ USD và 1,6 tỷ USD. Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc là quốc gia đổ vốn đầu tư nhiều nhất vào khu công nghiệp, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với gần 3,7 tỷ USD. Tiếp đó là Nhật Bản, với hơn 3,3 tỷ USD.
Ngoài việc đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp như Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Khu công nghiệp Tràng Duệ, Khu công nghiệp Đình Vũ, Khu công nghiệp hỗ trợ chuyên sâu dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, TP. Hải Phòng đang tiếp tục chuẩn bị mặt bằng sạch tại Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng để đón nhà đầu tư mới. Cùng với đó, Thành phố đang tiến hành mở rộng Khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn III.
“Song song với việc thu hút nhà đầu tư, Thành phố đang tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động kỹ thuật, công nghệ, tổ chức quản lý đáp ứng yêu cầu của các dự án lớn, áp dụng công nghệ cao, công nghệ và quản lý tiên tiến đầu tư vào các khu công nghiệp. Đồng thời, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư một cách chuyên nghiệp, có hiệu quả; thu hút đầu tư có chọn lọc, lựa chọn các dự án có suất đầu tư cao, vốn lớn, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, có giá trị gia tăng cao, sản phẩm thân thiện với môi trường, đảm bảo phát triển bền vững”, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chia sẻ quan điểm trong thu hút FDI.
Thanh Sơn / baodautu.vn