Chiều 6/3, tại tỉnh Hải Dương, Hội nghị tổng kết tình hình xây dựng- phát triển các khu công nghiệp (KCN) năm 2016 và phát động phong trào thi đua trong các KCN năm 2017 đã được Ban quản lý (BQL) các KCN tỉnh Hải Dương tổ chức. Hội nghị có sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết: “Hải Dương luôn coi hợp tác đầu tư là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển khu công nghiệp là hướng đi chiến lược để phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế xã hội nói chung. Tỉnh Hải Dương luôn đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp đầu tư trong các KCN, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.
Trong số 18 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục quy hoạch KCN đến năm 2020, thì tỉnh Hải Dương đã có 10 KCN đã được thành lập và đi vào hoạt động ổn định. Trong đó, có thể kể đến các KCN lớn như Nam Sách, Đại An và phần mở rộng - giai đoạn 1, Phúc Điền, Tân Trường, Lai Vu... đã thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp lớn và đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh. Đến nay tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN trên diện tích đạt gần 64% trên diện tích đất công nghiệp được bàn giao.
Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương phát biểu tại Hội nghị.
“Trong năm qua, các KCN đã tiếp nhận thêm 24 dự án đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký là 111,6 triệu USD. Trong đó có 07 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư 565 tỷ đồng, 17 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 85,9 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 26 dự án với tổng vốn tăng thêm 189,4 triệu USD. Lũy kế đến hết năm 2016, các KCN có 219 dự án còn hiệu lực. Trong đó có 167 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký 3,53 tỷ USD và 52 dự án DDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký 12.552 tỷ đồng”, ông Phạm Minh Phương, Trưởng ban BQL các KCN tỉnh Hải Dương thông tin tại hội nghị.
Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của doanh nghiệp là điện, điện tử, may mặc, cơ khí... tạo giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu cao và đóng góp đáng kể vào thu ngân sách của tỉnh. Cụ thể, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp có dự án đầu tư trong các KCN chiếm 68% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh, giá trị nhập khẩu chiếm 53% giá trị nhập khẩu toàn tỉnh, chiếm 17% tổng thu ngân sách địa phương. Mỗi năm tạo việc làm mới cho hàng ngàn lao động. Nhiều doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả trong KCN đã tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh như Công ty TNHH Dệt Pacific, Công ty TNHH Tinh Lợi, Công ty máy Brother, Công ty TNHH Kefico Việt Nam...
“Nhu cầu thu hút đầu tư để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh là rất lớn và hết sức quan trọng nhưng là chúng tôi sẽ không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Tỉnh Hải Dương xác định ưu tiên tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, sử dụng ít lao động, thân thiện với môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh, lan tỏa, thu hút các dự án khác. Không tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, áp dụng công nghệ cũ tiêu tốn nhiều năng lượng, sử dụng nhiều lao động. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán các chính sách ưu đãi hiện hành, thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có thể triển khai đầu tư và sản xuất – kinh doanh có hiệu quả trong các KCN”, ông Hiển khẳng định tại hội nghị.
Đại diện cho doanh nghiệp, bà Tường Quỳnh Hương, Phó Tổng giám đốc CTCP Đại An cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là phát triển KCN Đại An thành KCN kiểu mẫu và toàn diện về mọi mặt liên quan đến công nghiệp, dịch vụ, đời sống an sinh và xã hội. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm phải thực hiện đầy đủ các loại hình công nghiệp và dịch vụ để phục vụ cho các doanh nghiệp. Từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ doanh nghiệp vốn FDI đến doanh nghiệp trong nước. Chúng tôi tin rằng, chính điều này đã xây dựng nên thương hiệu ‘KCN Đại An là điểm đầu tư lý tưởng và tin cậy cho các Doanh nghiệp’. Chỉ khi tạo được niềm tin như thế thì chúng ta mới có khả năng thu hút nguồn đầu tư mạnh mẽ. Quyết định điểm đến đầu tư của Doanh nghiệp còn dựa vào các chính sách Nhà nước và năng lực cạnh tranh giữa các tỉnh tại Việt Nam”.
Cũng tại hội nghị này, tỉnh Hải Dương đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 06 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 66 triệu USD vào KCN Đại An. Trong đó, có 04 dự án đến từ Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư hơn 51 triệu USD, lĩnh vực chủ yếu là sản xuất linh kiện và phụ kiện điện thoại, sản xuất bộ phận hộp số và bộ phận động cơ xe, lắp ráp và gia công các sản phẩm điện tử. Ngoài ra, có 01 dự án đến từ Singapore có tổng vốn 15 triệu USD, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản. 01 dự án đến từ Thái Lan với tổng vốn đầu tư 550 nghìn USD, sản xuất sản phẩm có nguyên liệu là cao su thành phẩm (ngành công nghiệp phụ trợ).
“Chúng tôi khẳng định sự cam kết, đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, luôn đứng bên cạnh, kề vai sát cánh và sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với tất cả các nhà đầu tư. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, sự đồng hành của chúng tôi với các bạn được thể hiện bằng sự minh bạch khi các bạn đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định. Đó cũng là ưu thế lớn, nhưng cũng là trách nhiệm mà BQL các KCN Hải Dương luôn phải hoàn thành tốt.
Tại hội nghị, lễ ký Bản giao ước hỗ trợ tài chính giữa ngân hàng TMCP Công thương Vietinbank – Chi nhánh KCN Hải Dương với BQL các KCN tỉnh Hải Dương cùng đại diện CTCP Đại An và Công ty TNHH MTV KCN Lai Vu đã được diễn ra. Với những kết quả trên, năm 2016, BQL các KCN Hải Dương được ghi nhận là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được UBND tỉnh Hải Dương tặng Cờ Thi đua; đồng thời cũng là đơn vị đề nghị được nhận Cờ Thi đua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. BQL các KCN tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập ngày 13/05/2003, là cơ quan quản lý trực tiếp các KCN trên địa bàn tỉnh. Sau gần 15 năm hoạt động, BQL đã luôn khẳng định được vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng và phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh. |
Thanh Sơn / baodautu