Chất lượng lao động tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh Hải Dương không đồng đều, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ gặp không ít khó khăn trong việc đáp ứng đơn hàng, thu nhập của người lao động tại một số làng nghề cũng khá thấp.
Nghề mộc mỹ nghệ mang lại thu nhập cao cho người lao động địa phương
Theo đánh giá từ Sở Công Thương, lực lượng lao động là yếu tố then chốt giúp các làng nghề trên địa bàn duy trì được sức phát triển, sản phẩm mang dấu ấn riêng, tạo được chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm của các làng nghề thường không có tính đồng nhất, sản xuất hàng loạt rất khó khăn, do tay nghề của người lao động không đồng đều, đã khiến doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ gặp không ít khó khăn trong việc đáp ứng đơn hàng. Lao động được đào tạo chủ yếu theo phương thức truyền nghề hay cha truyền con nối, thiếu kiến thức căn bản và độ thống nhất.Theo số liệu từ Sở Công Thương tỉnh, đến năm 2015, lao động trong khu vực tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và làng nghề khoảng 116.159 người. Tính chung cả giai đoạn 2011- 2015, tốc độ tăng số lượng lao động trong các cơ sở TTCN khoảng 2.120 lao động/năm.Mức thu nhập bình quân của người lao động trong các làng nghề phổ biến từ 1,2- 5 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với thu nhập từ làm nông nghiệp. Tuy nhiên, mức thu nhập của người lao động hiện không đều giữa các làng nghề, ngành nghề. Một số nhóm ngành nghề mang lại thu nhập cao, như: Sản xuất giày dép da từ 3,5- 5 triệu đồng/người/tháng; mộc mỹ nghệ, mộc đình chùa từ 3- 4,5 triệu đồng/người/tháng; chế tác vàng bạc từ 2,7- 3 triệu đồng/người/tháng… Một số ngành nghề lại có mức thu nhập bình quân thấp, chỉ dao động từ 1,3- 2 triệu đồng/tháng, như: Sản xuất bún, bánh đa; thêu ren; làm hương, dệt chiếu, nấu rượu... Các làng nghề trên địa bàn đang dần trở thành trung tâm thu hút lao động, không chỉ tại địa phương mà còn ở ngoài vùng như: Làng nghề cơ khí Tráng Liệt (Bình Giang), mộc Đông Giao (Cẩm Giàng), giày da Hoàng Diệu (Gia Lộc).
Trước thực trạng trên, Sở Công Thương tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động đào tạo mới, nâng cao tay nghề cho lao động TTCN và làng nghề. Tổ chức truyền nghề, hỗ trợ đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động. Bên cạnh đó, sở cũng tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ về xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, cơ sở; tập huấn về sở hữu trí tuệ, quản lý môi trường cho doanh nghiệp, cán bộ tại các xã, phường... Sở cũng tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; xét và trao tăng danh hiệu nghệ nhân làng nghề...
Riêng năm 2015, với 1,815 tỷ đồng kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã trình UBND xét, phong tặng danh hiệu nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp cho 12 cá nhân; thẩm định xét tặng 6 hồ sơ nghệ nhân ưu tú; công nhận 52 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh đợt 2 và 3 sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia. Trung tâm cũng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh công nhận 1 làng nghề TTCN, nâng tổng số làng nghề được công nhận lên 66.Để tiếp tục nâng cao chất lượng lao động tại các làng nghề, Hải Dương cũng xây dựng nhiều kế hoạch triển khai. Theo đó, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nghề TTCN, làng nghề hiện có; phong tặng danh hiệu nghệ nhân nghề TTCN nhằm khuyến khích thợ giỏi tham gia công tác đào tạo; nâng cao nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại… Tỉnh cũng tổ chức nhiều khóa đào tạo ngắn và dài hạn cho lao động tại các làng nghề…
Đến năm 2020, Hải Dương phấn đấu toàn tỉnh có trên 90 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường; có từ 130.000-140.000 lao động tham gia sản xuất TTCN. |