Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia đã xây dựng hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2017, với hai mức tăng trưởng GDP là 6,2% và 6,68%.
Với chủ đề “Thử thách phía trước”, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia vừa công bố bản báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô quý II/2017 và cả năm.
Theo đó, có hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế đã được xây dựng. Với kịch bản thứ nhất - kịch bản cơ sở, với dự báo rằng, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đà tăng trưởng cao hơn, mức sụt giảm công nghiệp khai khoáng thấp hơn so với quý I, tăng trưởng GDP quý II/2017 sẽ đạt 5,6%.
Để đạt tốc độ tăng trưởng này, điều kiện được các chuyên gia của Trung tâm đưa ra còn là tỷ giá tương đối ổn định, tín dụng tiếp tục đà tăng trưởng cao và tốc độ giải ngân vốn đầu tư nhà nước cao hơn so với quý I.
Kết thúc quý I/2017, kinh tế vĩ mô Việt Nam tuy ổn định song tăng trưởng còn ở mức thấp |
“Theo tính toán của chúng tôi, với kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP quý III là 6,4%, quý IV là 7,1% và cả năm sẽ là 6,2%”, ông Đặng Đức Anh, Ban Phân tích và Dự báo (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia) nói.
Trong khi đó, với kịch bản thứ hai - kịch bản kế hoạch, các giả định được đặt ra là công nghiệp khai khoáng phục hồi; mức khai thác tương đương năm 2016; tốc độ giải ngân vốn đầu tư nhà nước có mức tăng trưởng mạnh; công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ.
Với kịch bản này, tăng trưởng kinh tế là khá khả quan, với tốc độ tăng trưởng GDP quý II là 6,27%, quý III là 7,03%, quý IV là 7,61% và cả năm đạt mức 6,68% - gần sát với mục tiêu Chính phủ đề ra là tăng trưởng 6,7% trong năm nay.
Ở cả hai kịch bản, theo ông Đặng Đức Anh, lạm phát đều được dự báo nằm trong tầm kiểm soát. Với kịch bản cơ sở, lạm phát cả năm được dự báo ở mức 4,7%, còn ở kịch bản kế hoạch, con số là 5,12%.
Phân tích sâu hơn về tình hình kinh tế 2017, ông Đặng Đức Anh cho biết, quý I/2017, kinh tế vĩ mô Việt Nam tuy ổn định song tăng trưởng còn ở mức thấp. Thêm vào đó, mô hình chuyển đổi chậm, nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc nặng nề vào các ngành khai khoáng, vẫn chủ yếu là gia công, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển…
“Cần tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô để tạo lập niềm tin với nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ”, ông Đặng Đức Anh nói.
Cũng theo ông Đức Anh, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần giám sát tiến độ thực thi các nhiệm vụ đưa ra trong Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cũng như Chương trình hành động thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2017 - 2020.
Thanh Hà / baodautu