Năm 2019 toàn thế giới có 6.216 nhà khoa học có trích dẫn cao từ các lĩnh vực khác nhau thuộc 60 quốc gia. Đặc biệt, hai nhà khoa học Việt Nam là GS. TS Bùi Tiến Diệu và PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng nằm trong nhóm này.
Thông tin hai nhà khoa học Việt Nam lọt nhóm các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất năm 2019 (chụp màn hình từ trang Clarivate)
TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý khoa học Trường ĐH Đức Thắng, cho biết dữ liệu này vừa được Nhóm Web of Science (WoS) thuộc Clarivate (Mỹ) vừa công bố danh sách các nhà khoa học có trích dẫn cao trên toàn thế giới (Highly Cited Researchers - HCR) công bố ngày 19/11 vừa qua.
Theo ông Út, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu với 2.737 nhà khoa học trích dẫn cao, chiếm 44% toàn cầu (chỉ tính riêng danh sách cơ quan làm việc chính của các nhà khoa học). Trung Quốc vươn lên đứng thứ 2 với 636 người (cơ quan chính), tăng 154 người so với năm 2018. Vương Quốc Anh, Hà Lan, Đức thì giảm so với năm 2018.
Theo danh sách các nhà khoa học trích dẫn cao của 10 cường quốc hàng đầu thế giới, 6 cường quốc có nhiều nhà khoa học trích dẫn cao thuộc các nước có nền kinh tế mạnh nhất trong năm 2019 gồm Mỹ, Trung Quốc, Đức, vương quốc Anh, Pháp và Canada (theo thứ tự giảm dần). Như vậy, có thể nói nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và đó chính là kinh tế tri thức mà giá trị thương mại rất cao.
Việt Nam không có nhà khoa học nào với cơ quan chính là Việt Nam được vào danh sách các nhà khoa học trích dẫn cao của thế giới. Tuy nhiên, nếu tính cơ quan phụ (secondary) trong danh sách cơ quan của tác giả, Việt Nam vinh dự có được hai nhà khoa học được liệt kê vào danh sách HCR này.
Người thứ nhất là PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng (lĩnh vực khoa học máy tính), có cơ quan chính là China Medical University (Đài Loan) và cơ quan phụ là Viện Nghiên cứu liên ngành (CIRTECH) Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Theo thông tin được công bố tại trang này, ông Hùng đã có 167 công bố quốc tế với trên 7.600 chỉ số trích dẫn.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng (người ở giữa) từng có 5 năm liên tiếp trong top 1% nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới (ảnh trường ĐH Công nghệ TPHCM)
Đáng chú ý, ông Hùng từng 5 năm liên tiếp có tên trên top 1% các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới. Ông vừa được Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư năm 2019.
GS.TS Bùi Tiến Diệu (lĩnh vực Địa tin học), cơ quan chính là University College of Southeast Norway (Na Uy) và cơ quan phụ là Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ông Diệu có 171 công bố quốc tế, chỉ số trích dẫn trên 3.800.
Những nhà khoa học có trích dẫn cao theo WoS phải là những người công bố những bài báo thuộc top 1% trong chuyên ngành. Chỉ số này thể hiện sự ảnh hưởng của các kết quả nghiên cứu trong giới chuyên gia thuộc chuyên ngành.
Điều thú vị là trong số 6.216 nhà khoa học HCR trong năm nay thì có đến 23 người từng được giải Nobel. Đặc biệt, có 3 người được giải Nobel trong năm 2019 là Gregg L. Semenza thuộc ĐH Johns Hopkins (Y học, Mỹ); John B. Goodenough thuộc ĐH Texas Austin (Hóa học, Mỹ) và Esther Duflo thuộc MIT (Kinh tế, Mỹ).
Cũng theo TS Lê Văn Út, các nhà khoa học HCR là những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trong chuyên ngành và có thể xem họ là những chuyên gia hàng đầu thế giới trong chuyên ngành.
Lê Phương / dantri.com.vn