Hải Phòng hiện đang nổi lên là một trọng điểm thu hút đầu tư, với hàng trăm nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, cũng cần phân định rõ từng nguồn vốn huy động cùng các giải pháp tổng thể chính xác, để định mức chi phí đầu tư phát triển hợp lý.
2017 - Hải Phòng cần khoảng 6000 tỷ đồng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Tại cuộc làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương (TW) với UBND TP Hải Phòng vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã sơ bộ thống kê và đánh giá, quy mô thu ngân sách trên địa bàn Hải Phòng năm 2015 đạt khoảng 53.000 - 54.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 13.000 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng nhu cầu chi và có đóng góp về TW theo tỷ lệ điều tiết 12%.
Tuy nhiên, là thành phố lớn với số thu ngân sách khá cao nhưng quy mô đầu tư xây dựng cơ bản của Hải Phòng lại rất thấp, bình quân 5 năm qua chỉ đạt khoảng 17,8% trong cơ cấu chi ngân sách, trong khi các tỉnh khác khoảng 25- 30%. Chính vì vậy nên ngân sách TW đã phải ứng vốn cho Hải Phòng khá nhiều, từ đó tác động tới ngân sách những năm sau. Thứ trưởng Bộ Tài chính đánh giá, Hải Phòng đang tăng tốc phát triển nên chi thường xuyên khá cao do nhu cầu chi lớn, nhưng cũng do cả cách thức quản lý.
Về phía địa phương, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Thành đã lý giải, do giai đoạn 2010 - 2015 Hải Phòng gặp khó khăn về thu ngân sách, hụt thu so với dự toán nên số chi đầu tư xây dựng thấp. Năm 2014, Bộ Tài chính tham mưu với Chính phủ xây dựng cơ chế tăng chi đầu tư bình quân 10%/năm và căn cứ quy định này, Hải Phòng lấy mức xuất phát của những năm 2012- 2013 (là những năm hụt thu nên chi thấp) để áp dụng giai đoạn 2017 - 2020 sẽ bị nhiều thiệt thòi.
Cùng quan điểm như vậy, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lê Trung Kiên cũng cho rằng với mức thu ngân sách và cách tính toán, áp dụng tỷ lệ chi đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương như quy định, mỗi năm Hải Phòng chỉ có hơn 1000 tỷ đồng, quá thấp so với đà tăng tốc phát triển của thành phố, trong khi đó, theo tính toán sơ bộ năm 2016 Hải Phòng cần khoảng 6000 tỷ đồng mới đáp ứng được nhu cầu phát triển Kinh tế - Xã hội.
Những năm gần đây, số thu ngân sách của Hải Phòng tăng cao, năm 2016 thu ngân sách nội địa có thể đạt 18.000 tỷ đồng, gấp 2 lần số thu của năm 2014. Vì vậy Hải Phòng đề nghị TW, điều chỉnh mức chi vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương năm 2017 là khoảng 6000 tỷ đồng, giúp Hải Phòng có thêm nguồn lực từ ngân sách chi cho đầu tư phát triển, đồng thời có được nguồn vốn đối ứng cần thiết để huy động các nguồn lực khác như ODA và huy động các hình thức đầu tư theo phương thức BOT, BT, PPP…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà kết luận, với thực trạng công tác chi ngân sách như vậy, Hải Phòng cần sớm báo cáo Quốc hội, Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế tài chính đặc thù theo Kết luận 72 của Bộ Chính trị. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để bố trí nguồn lực, cả thu, chi ngân sách và tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách TW và ngân sách địa phương. Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo, bổ sung đề nghị của Hải Phòng và gửi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan. Sau đó sẽ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Hải Phòng cũng cần sớm rà soát các dự án đầu tư, xây dựng trên địa bàn để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, từ đó mới xác định được các nguồn vốn thực hiện với tỷ lệ điều tiết ngân sách hợp lý.
Lãnh đạo các Bộ ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an… cũng đồng tình với đề nghị của Hải Phòng, mong muốn Chính phủ, Quốc hội xem xét để Hải Phòng sớm hoàn thiện thể chế, chính sách về tài chính mang tính đặc thù để huy động nguồn lực cho phát triển.
Quốc Cường / baocongthuong