Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu chỉ số công khai ngân sách địa phuơng năm 2018, đứng cuối bảng là Hải Phòng, khi chỉ đạt 5,14 điểm, mặc dù đây là một thành phố rất lớn. Xếp trên Hải Phòng là tỉnh Hòa Bình với 14,62 điểm
Ngày 12-6, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã tổ chức công bố chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI). Đây là bộ chỉ số do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) phối hợp cùng VEPR thực hiện.
POBI là công cụ giúp các tỉnh, thành phố có thể tham chiếu và đo lường mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước và mức độ thực thi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Chỉ số này đồng thời cũng là công cụ hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách hành chính và tài khoá tốt hơn, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững về minh bạch, giải trình có sự tham gia của người dân.
PGS-TS Vỹ Sỹ Cường, đại diện nhóm nghiên cứu của BTAP, cho biết chỉ số công khai ngân sách được khảo sát dựa trên hai trụ cột chính: minh bạch công khai ngân sách và sự tham gia của người dân. Cơ quan khảo sát sẽ đánh giá các tài liệu liên quan đến ngân sách có được công khai đầy đủ theo quy định của pháp luật hay không.
Cụ thể, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định các loại tài liệu về ngân sách phải bắt buộc công khai như: Dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội, HĐND phê duyệt; dự toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền quyết đinh; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước...
Theo kết quả được công bố với thang điểm 100, Vĩnh Long là địa phương có chỉ số cao nhất về công khai ngân sách tỉnh năm 2018 với 90,52 điểm; xếp thứ 2 là Bà Rịa-Vũng Tàu với 85,91 điểm. Các vị trí thứ 3, thứ 4, thứ 5 lần lượt là: Đà Nẵng, Vĩnh Phúc và Quảng Nam.
Đáng chú ý, đứng cuối bảng trong kết quả xếp hạng chỉ số công khai ngân sách tỉnh là Hải Phòng, khi chỉ đạt 5,14 điểm, mặc dù đây là một thành phố rất lớn. Xếp trên Hải Phòng là tỉnh Hòa Bình với 14,62 điểm.
Ông Vũ Sỹ Cường cho biết nhóm các thành phố trực thuộc Trung ương có chỉ số minh bạch ngân sách thấp |
Theo cơ quan khảo khát, nhóm 9 tỉnh, thành phố trong đó là Hải Phòng, Hòa Bình, Bắc Giang, Nam Định... được xếp vào nhóm ít công khai ngân sách tỉnh.
Theo ông Vũ Sỹ Cường, hai đầu TP lớn của cả nước là Hà Nội và TP HCM đều không được xếp hạng cao về công khai ngân sách mà rơi vào nhóm C (nhóm công khai chưa đầy đủ), trong khi đây là hai địa phương chi tiêu ngân sách rất lớn.
"Trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ có Đà Nẵng được xếp vào nhóm công khai đầy đủ về ngân sách địa phương"- ông Vũ Sỹ Cường cho hay.
Bảng kết quả xếp hạng chỉ số công khai ngân sách địa phương năm 2018 |
Trao đổi với Báo Người Lao Động, PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho rằng các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, đặc biệt là Hải Phòng có điểm số thấp là một vấn đề rất đáng lưu ý. Theo ông, đây là các địa phương có thu chi ngân sách lớn nhưng việc công khai minh bạch chưa thật sự được chú trọng, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra điều đó thông qua bảng xếp hạng.
Nói về nguyên nhân, ông Thành cho rằng để đánh giá đúng nhóm khảo sát cần có thời gian để đưa ra các cơ sở cụ thể, tuy nhiên vấn đề nhận thức về công khai minh bạch ngân sách của các địa phương này ít nhiều còn hạn chế, ảnh hưởng đến điểm số chung.
Ông lấy ví dụ như Hải Phòng năm 2017, không công khai bất cứ thông tin nào về ngân sách nên có điểm số là 0 điểm trên bảng xếp hạng, đến năm nay cải thiện hơn nhưng vẫn rất thấp.
Theo Minh Chiến (NLĐO)