Đây là khẳng định của ông Lê Trung Kiên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng. Ông Kiên cho biết, ngành Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hải Phòng cam kết thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn.
Nhằm cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, mới đây, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng đã thông tin, phổ biến chính sách, pháp luật về kế hoạch và đầu tư tới người dân và doanh nghiệp; thông tin về những kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước, trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính của ngành Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, Thành phố tập trung vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; đầu tư trong nước; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đăng ký và thành lập doanh nghiệp; đầu tư nước ngoài, quản lý vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và các nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài; quản lý đấu thầu.
Những năm qua, Hải Phòng đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020. Kinh tế thành phố phát triển ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, giai đoạn 2011-2016 đạt 9,4%/năm; quy mô kinh tế được mở rộng, thành phố chiếm tỷ trọng 3,4% trong GDP của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, năm 2016 ngành dịch vụ và công nghiệp – xây dựng chiếm 86,4% GRDP.
Chính quyền điện tử, CCHC văn minh, hiện đại, phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân. |
Thành phố đã bước đầu thể hiện được vai trò trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, thủy sản. Hệ thống cảng biển được đầu tư mở rộng, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, sản lượng hàng qua các cảng trên địa bàn Hải Phòng ngày càng tăng, năm 2016 đạt 78,9 triệu tấn. Khu kinh tế và các khu công nghiệp phát triển, ngày càng hoàn thiện hệ thống hạ tầng đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn cả trong và ngoài nước với những dự án sản xuất kinh doanh lớn, công nghệ tiên tiến từ các tập đoàn lớn trên thế giới.
Báo cáo của sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết, hiện thành phố có 28.089 doanh nghiệp đang hoạt động và 508 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 14,33 tỷ USD.
Chỉ số PCI năm 2016 của Hải Phòng đạt 60,10 điểm, xếp vị trí thứ 21/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2015, bước vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt. Trong 10 chỉ số thành phần, thành phố Hải Phòng có 07 chỉ số tăng điểm: gia nhập thị trường (+ 0,57), tiếp cận đất đai (+ 0,12), tính minh bạch và tiếp cận thông tin (+ 0,12), tính năng động của chính quyền địa phương (+ 0,43), dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (+ 0,51), đào tạo lao động (+ 0,09), thiết chế pháp lý (+ 0,18); có 03 chỉ số giảm điểm: chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính (- 0,34), chi phí không chính thức (- 0,22), môi trường cạnh tranh bình đẳng (- 0,51).
Năm 2017, Hải Phòng sẽ quan tâm cải thiện điểm số của 10 chỉ số thành phần PCI, khắc phục và cải thiện mạnh mẽ hạn chế của 03 chỉ số bị giảm điểm năm 2016: chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, chi phí không chính thức, môi trường cạnh tranh bình đẳng, nâng vị trí xếp hạng đạt từ 10 - 15/63 tỉnh, thành phố.
Đô thị thành phố ngày càng được mở rộng, phát triển và có những chuyển biến rõ nét. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, cải thiện. Một số công trình hạ tầng quan trọng như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, nút giao thông khác mức Lê Hồng Phong - Nguyễn Bỉnh Khiêm, cầu Tam Bạc... đã đi vào vận hành, đang tạo nền tảng, sức bật cho phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong giai đoạn tới. Một số công trình khác đang được đẩy nhanh tiến độ và sắp được đưa vào khai thác như: cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đường cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, cao tốc Hải Phòng – Hạ Long, nút giao thông khác mức Nguyễn Bỉnh Khiêm – Đình Vũ, mở rộng Quốc lộ 10, cầu Bạch Đằng, cầu Hoàng Văn Thụ...
“Có thể thấy quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố Hải Phòng và những thay đổi của ngành Kế hoạch và Đầu tư thông qua những giải pháp và việc làm cụ thể thiết thực như, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch, rút ngắn tối đa các thủ tục hành chính, thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, các giao dịch điện tử, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm tối đa thời gian và chi phí”, ông Kiên cho biết thêm.
Bên cạnh đó, việc công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công khai quy hoạch xây dựng, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhanh chóng, thuận tiện tìm kiếm thông tin cũng như tiếp cận chính sách, kế hoạch phát triển của thành phố. Việc tổ chức đối thoại định kỳ vào mồng 10 hàng tháng giữa cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp nhằm hướng dẫn, giải đáp cơ chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo sự thân thiện và hài lòng của các doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Đây là bước tiến mới thể hiện sự quan tâm, lắng nghe và thấu hiểu đồng thời sát cánh cùng doanh nghiệp để đưa nền kinh tế của thành phố lên một tầm cao mới.
Định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, tăng cường thu hút đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, ưu tiên công nghệ nguồn, các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao và dần chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ công nghiệp sang dịch vụ ưu tiên phát triển cảng biển và các dịch vụ logistics. Đây là hướng đi đúng đắn để từng bước đưa Hải Phòng hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời phát triển thành một thành phố xanh, văn minh, hiện đại.
Thanh Sơn / baodautu