Theo đúng quy luật từ bao đời nay, Tết Nguyên đán là vụ thu hoạch lớn nhất của những người trồng hoa tại làng hoa Đằng Hải (Hải phòng). Tuy nhiên, thời tiết khô hạn và nắng kéo dài ngay giữa mùa đông năm nay, đã khiến rất nhiều hộ trồng hoa đang "héo hắt" ruột gan giữa rừng hoa tươi rực rỡ nở sớm.
Cả cánh đồng hoa được chiếu sáng hàng đêm để phát triển thu hoạch đúng dịp Tết
Làng hoa Đằng Hải là cái tên thân thuộc đối với người dân Hải Phòng, từ xa xưa cả làng chỉ chuyên sinh sống bằng nghề trồng hoa, không chỉ trên những cánh đồng hàng chục ha, hoa còn được trồng khắp nơi, trong nhà, ngoài vườn, hàng rào, các dải đất ven sông, từ đầu làng tới cuối xóm… Cùng với sự thay đổi của kinh tế thị trường và quy hoạch đô thị, nghề trồng hoa nơi đây cũng đã ít nhiều bị mai một. Dù vậy, theo ước đoán của những bậc cao niên trong làng. Hiện tại, vẫn còn khoảng tới 70% hộ nông dân vẫn sống bằng thu nhập chính từ trồng hoa. Đáng buồn là diễn biến bất thường của thời tiết gần đây đang khiến họ rất phiền lòng.
Ao chứa nước tưới hoa cũng khô hạn vì nắng nóng và không có mưa
Chia sẻ với phóng viên báo Công Thương, anh Đào Quang Khải một người trồng hoa cúc lâu năm của làng cho biết, theo đúng quy luật thời tiết, vào khoảng tháng 9 âm lịch, hoa bắt đầu được trồng, sau đó khoảng 1 tuần người trồng hoa sẽ thắp đèn hàng đêm, liên tục cung cấp ánh sáng để cây không bị già đi và tiếp tục phát triển cao lên, cùng với thời tiết lạnh và mưa phùn của mùa đông, cây sẽ xanh tươi và sinh nụ, đến dịp sát Tết, người trồng hoa sẽ ngừng cấp ánh sáng ban đêm, cây cúc bắt đầu già và nở hoa đúng dịp Tết… nhưng mùa đông năm nay hầu như không mưa phùn, không lạnh, nắng nhiều khiến hoa cúc đã nở quá sớm…
Nhìn cánh đồng vàng rực hoa cúc tươi rói, anh Khải thở dài: “còn 3 tuần nữa mới Tết, mà hoa đã nở hết rồi, tôi lỗ vốn nặng vụ hoa cúc năm nay anh ạ”. Thời điểm này hoa cúc chỉ bán được khoảng 3000đồng/bông còn vụ Tết có thể lên tới 10.000 đồng/bông.
Ao cạn nước phải tưới hoa bằng nước máy sạch
Chị Đào Thị Nhẫn với vườn lay-ơn sắp nở đang cố thu hoạch bán rẻ
Cách đó không xa là khoảng vườn rộng, nhưng là những cây hoa cúc còn rất nhỏ của chị Đào Thị Chuyên, chị cho biết đó là hoa sẽ thu hoạch dịp ra Giêng, còn hoa dự định bán dịp Tết thì đã nở và buộc phải bán rẻ hết từ vài ngày trước, cầm vòi nước trong vắt tưới đều lên luống hoa chị nói: “Không có mưa, ao trữ nước tưới hoa cũng cạn khô, tôi đang tưới bằng nước máy đây, tính giá như nước sinh hoạt đô thị, thu hoạch không biết có đủ trả tiền nước hay không, chưa tính tiền giống, làm đất, phân bón, thuốc trừ sâu…”
Hoa tươi rực rỡ nhưng lòng người trồng hoa thì "héo hắt"
Dẫn phóng viên ra thăm cánh đồng trồng hoa lay-ơn, chỉ vào những thân lay-ơn đã cao chắc và có mầu xanh mát, chị Đào Thị Nhẫn chia sẻ: “Đây là vườn hoa lay-ơn hơn hai vạn củ giống vụ Tết của tôi đấy, nhưng do nắng nóng kéo dài, nụ đã bắt đầu nhú cánh sắp nở thế này rồi, tôi cũng phải cố gắng cứu vãn thu hoạch bán rẻ ngay thôi, để thêm 1 hoặc 2 ngày nữa là hoa sẽ nở bung ra, mất hết… Trồng lay-ơn, nếu mưa thuận gió hòa khi thu hoạch cũng thường chỉ được 70% hoa đẹp là tốt lắm rồi, năm nay không có mưa nên hoa lay-ơn cũng không đẻ nhánh, thiệt hại đủ đường cậu ạ”. Theo chị Nhẫn, thời điểm này hoa lay-ơn có giá bán cao nhất cũng chỉ khoảng 35.000 đồng/1 chục bông, trong khi đó nếu thu hoạch đúng vụ Tết sẽ có thể bán được tới 75.000 đồng/1chục.
Đi sớm cho kịp phiên chợ
Trên thực tế, không chỉ riêng với hai sản phẩm chủ đạo của làng hoa Đằng Hải là hoa lay-ơn và hoa cúc, tình trạng hoa nở quá sớm trước Tết đã xảy ra với tất cả các loại hoa khác trồng trong làng như hoa đồng tiền, hoa hướng dương, cẩm chướng, mẫu đơn .... Một số đại lý kinh doanh hoa tại Hải Phòng dự báo, Tết này người chơi hoa thành phố sẽ chủ yếu chỉ được chơi hoa ướp lạnh hoặc hoa từ miền Nam ra.
Quốc Cường / baocongthuong