Hải Phòng có vị trí chiến lược, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và là một cực thu hút dòng vốn FDI lớn của cả nước.
Hàng hóa thông qua cảng tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải ảnh: việt dũng
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, Hải Phòng có lợi thế là cửa ngõ chính ra biển của cả khu vực phía Bắc, có vị trí chiến lược, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và phía Bắc. Đặc biệt, Hải Phòng còn giữ vị trí trọng yếu trong hợp tác “Hai hành lang - Một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc, là địa bàn có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á.
Sức hút của Hải Phòng được chứng minh bằng sự hiện diện của các tập đoàn kinh tế lớn trong nước như Vingroup, Sun Group, FLC, Flamingo, Gleximco… và nhiều thương hiệu toàn cầu như LG, Bridgestone, AEON… Riêng LG mới đây đã tiếp tục tăng vốn, nâng tổng mức đầu tư của tập đoàn này tại Hải Phòng lên gần 6 tỷ USD.
Ông Bon-joon Koo, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn LG đã khẳng định, nhà máy của LG tại Hải Phòng “đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược sản xuất toàn cầu của LG
Với vị thế là cửa ngõ của khu vực phía Bắc, thông thương với các nước trong khu vực và thế giới, hệ thống cảng của Hải Phòng có lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất khu vực phía Bắc, đứng thứ 2 toàn quốc (sau TP.HCM). Từ tháng 5/2018, Hải Phòng đã đưa vào khai thác 2 bến khởi động Cảng container quốc tế Lạch Huyện, mở ra các tuyến vận tải biển trực tiếp xuyên Thái Bình Dương tới Canada và bờ Tây nước Mỹ mà không cần phải trung chuyển.
Về hàng không, Sân bay Cát Bi của Hải Phòng được đầu tư xây dựng, nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế cấp 4E, bảo đảm khai thác được máy bay hiện đại cỡ lớn.
Việt Nam đang trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu, là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia trong xu hướng dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc. Với vị trí chiến lược và tiềm năng nổi trội, Hải Phòng đang có lợi thế lớn để đón dòng vốn này. Theo bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Amata Việt Nam, Cảng container quốc tế Lạch Huyện chính là điểm mạnh về hạ tầng logistics của Hải Phòng để thu hút đầu tư.
Cùng với đó, Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế với việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do. Đây là những chất “xúc tác” quan trọng để Hải Phòng tận dụng tốt lợi thế “cửa ngõ” của khu vực phía Bắc trong hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư. Để khai thác tốt lợi thế đó, Hải Phòng đã đề ra kế hoạch từ nay tới năm 2025, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới 15 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 6.400 ha tại 8 quận, huyện. Trong đó, huyện Tiên Lãng sẽ xây dựng 3 KCN với diện tích lớn nhất, hơn 1.450 ha; huyện Vĩnh Bảo mở thêm 3 KCN, tổng diện tích 900 ha.
“Trước mắt, tới năm 2025, Hải Phòng phấn đấu lấp đầy 12 KCN hiện có (hơn 4.400 ha) và khai thác 30% công suất các KCN mới. Đến lúc đó, các trung tâm sản xuất này sẽ thu hút khoảng 40 tỷ USD vốn đầu tư lũy kế, kim ngạch xuất khẩu đạt 30 tỷ USD”, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban, Ban Quản lý các khu kinh tế Hải Phòng cho biết.
Có thể thấy, chính lợi thế trung tâm logistics lớn của miền Bắc đã tạo ra nét đặc trưng và thế mạnh trong phát triển bất động sản công nghiệp của Hải Phòng. Đó là phát triển hạ tầng KCN gắn với cảng biển hoặc với các trung tâm logistics của Thành phố. 4 trung tâm logistics lớn được quy hoạch bao gồm: 1 trung tâm cấp vùng là Trung tâm Logistics Nam Đình Vũ tại KCN Nam Đình Vũ (phía Đông); 3 trung tâm cấp thành phố tại Lạch Huyện (phía Đông Nam), khu VSIP tại KCN VSIP (phía Đông Bắc) và khu Tràng Duệ tại KCN Tràng Duệ (phía Tây). Các trung tâm này sẽ đóng vai trò tiếp nhận, giải quyết vận chuyển, lưu thông hàng hóa đường bộ, cảng biển và đường hàng không.
Để phát huy được hết tiềm năng và lợi thế về vị trí chiến lược trong thu hút đầu tư, theo ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, chủ đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN Nam Đình Vũ gắn với phát triển khu cảng biển và kho bãi logistics trong KCN, Hải Phòng cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ hoạt động logistics như giải phóng mặt bằng, miễn/giảm tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng trung tâm logistics; giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động tại trung tâm logistics mà trong nước chưa sản xuất được...