Không chỉ thịt bò, thịt gà đông lạnh, nhiều loại hải sản ngoại cũng được các doanh nghiệp nhập về bán quanh năm tại các chợ, siêu thị và được tiêu thụ nhiều do tâm lý hàng nhập là an toàn(?), giá cả phải chăng.
Đầu cá hồi Na Uy và cá cam Nhật được bán tại một siêu thị ở TP.HCM – Ảnh: DUYÊN PHAN |
Theo giới kinh doanh, hải sản thường được nhập dồn dập vào thời điểm giá rẻ, có những đơn vị nhập một lần hàng trăm tấn, tích trữ rồi bày bán quanh năm.
Cá ngoại vào mâm cơm Việt
Tại một gian hàng thực phẩm tươi sống ở một siêu thị trên địa bàn Gò Vấp (TP.HCM) vào cuối tuần, các bà nội trợ nhanh tay chọn những con cá, con mực tươi nhất cho bữa cơm gia đình.
Ngoài các loại cá trong nước, gian hàng này còn có thêm cá sa ba, thu đao Đài Loan, cá cam Nhật với giá từ 39.000 – 75.000 đồng/kg tùy loại.
Bà Thanh (Q.Bình Thạnh) cho biết thường mua cá cam Nhật với giá 70.000-75.000 đồng/kg, thậm chí chỉ còn 55.000 đồng/kg nếu có chương trình khuyến mãi.
Tương tự, chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) cũng có rất nhiều loại cá nhập khẩu được đưa về bán, trong đó mực và cá thu đao Đài Loan chiếm lượng lớn, chưa kể cá cam và cá nục bông Nhật Bản, đầu cá hồi Na Uy…
Theo các tiểu thương, tuy chất lượng không bằng mực trong nước, nhưng do có giá bán khá rẻ, chỉ từ 40.000-55.000 đồng/kg, nên mực lá Đài Loan vẫn được bán nhiều về các chợ lẻ.
Đang tất bật rã đông cho hàng trăm bao mực vừa được nhập về từ Đài Loan, anh T. – một chủ vựa tại chợ đầu mối Bình Điền – cho biết thường nhập về khoảng 1-2 tấn mực Đài Loan mỗi đêm, thời điểm trước và sau tết có thể tăng gấp nhiều lần do nhu cầu trong nước cao.
“Mực Đài Loan xuất hiện nhiều tại chợ này khoảng vài năm gần đây và bán quanh năm” – anh T. nói.
Giám đốc một siêu thị cho biết từ sau sự cố môi trường biển miền Trung, siêu thị thắt chặt kiểm soát đầu vào nhằm đảm bảo an toàn chất lượng thực phẩm tươi sống. Ngoài việc ghi rõ xuất xứ các loại cá, siêu thị cũng chủ động tìm thêm nguồn cá nhập khẩu.
“Trước đây sức mua các loại thủy hải sản đông lạnh nhập khẩu khá chậm, nhưng nay bán khá tốt” - vị này cho biết.
Trong buổi tổng kết xúc tiến xuất khẩu có quy mô lớn của ngành thủy sản Nhật Bản được tổ chức tại TP.HCM gần đây, ông Kazuhiro Takahashi – giám đốc Phòng thực phẩm, nông lâm thủy sản của JETRO – cho biết VN là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản quan trọng nhất của Nhật Bản trong khu vực châu Á.
Ngoài cá thu đao, cá cam, Nhật Bản đang tập trung đẩy mạnh xuất khẩu cá hồi và cá ngừ sang thị trường VN. Đặc biệt, các doanh nghiệp Nhật đang tìm cách phân phối trực tiếp, thay cho trung gian để giảm giá bán.
Thống kê của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối – Bộ NN&PTNT cho thấy ước tính giá trị xuất khẩu thủy sản Nhật Bản sang VN đạt 20 tỉ yen/năm, chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu trong nhóm hàng nông lâm thủy sản của Nhật Bản tại thị trường VN.
Tuy nhiên, lượng thủy hải sản nhập khẩu bán ở chợ, siêu thị chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ so với lượng nhập về. Bởi phần lớn người nhập đều chứa hàng tại các kho đông lạnh bên ngoài chợ để chờ giá cao mới bán hoặc bán theo kênh riêng.
Hàng nhập có yên tâm?
Đại diện ban quản lý chợ Bình Điền (Q.8) cho biết lượng thủy hải sản về chợ trung bình khoảng 1.100 tấn mỗi đêm, riêng nhập khẩu chiếm gần 150 tấn. Trong đó, mực lá và cá thu đao Đài Loan khoảng 50 tấn, cá cam và cá nục bông Nhật Bản 40-50 tấn, 15 tấn đầu cá hồi Na Uy, lượng cá nhập không ổn định mà biến động theo thời điểm.
Ông Nguyễn Huy Minh, chủ một doanh nghiệp nhập khẩu thủy hải sản, cho biết về nguyên tắc mặt hàng cá đông lạnh khi nhập khẩu phải được kiểm dịch thực vật và công bố chất lượng đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Thông thường thời gian nhận kết quả biết được nhập khẩu hay không khoảng 5 ngày, có văn bản đồng ý thì chỉ việc nhập về thôi. Hàng về cảng, doanh nghiệp làm thêm bước kiểm dịch sản phẩm, đạt thì nhập bán vào thị trường”, ông Minh nói.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, mỗi lô hàng thủy hải sản nhập khẩu về chợ đều được kiểm tra giấy hải quan nhập khẩu, hạn sử dụng, giấy kiểm tra chất lượng ở cửa khẩu, đủ điều kiện mới cho bán.
Trong năm 2016, cơ quan này đã lấy nhiều mẫu thủy hải sản nhập khẩu để kiểm tra chất lượng và không phát hiện mẫu nào vi phạm dư lượng.
Tuy nhiên, đơn vị này cũng thừa nhận, ngay cả khi gặp trường hợp lô hàng có mẫu nhiễm dư lượng trên mức cho phép, cơ quan quản lý chỉ phạt nguội chứ không tịch thu tiêu hủy được.
“Từ 5-7 ngày mới có kết quả kiểm nghiệm mẫu, nhưng thủy hải sản là hàng tươi sống nên không thể giữ lại trong ngày nếu không phát hiện nghi vấn bằng phương pháp quan sát”, đại diện đơn vị này nói.
Ban quản lý chợ Bình Điền cũng cho biết một kho trữ lạnh theo tiêu chuẩn Nhật Bản cũng được xây dựng tại chợ này nhằm cải thiện việc bảo quản hàng tươi sống. Khi phát hiện chủ vựa sai phạm, ngoài các chế tài theo luật định, chợ còn phạt bổ sung như cúp điện, cúp nước, treo vựa hoặc thanh lý hợp đồng.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, trong 489 mẫu thủy hải sản lấy tại chợ Bình Điền để kiểm nghiệm năm 2016, kết quả phát hiện 65 mẫu nhiễm dư lượng là các chất nằm trong danh mục cấm sử dụng đối với thủy hải sản. Theo đó, các mẫu nhiễm dư lượng này tập trung phổ biến ở nhóm thủy sản nuôi với các chất nhiễm có trong kháng sinh dùng phổ biến để trị bệnh cho cá, diệt khuẩn ao như Chloramphenicol, Nitrofuran, Enrofloxacin… Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các thương nhân nhập các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, cơ quan này còn gửi cảnh báo về các tỉnh và đề nghị xử lý người nuôi vi phạm sau khi truy xuất nguồn gốc.
Theo Tuổi Trẻ Online