Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo quy định kéo dài việc cho phép vay ngoại tệ đối với đối tượng vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đến hết ngày 31-12-2017. Đây không phải lần đầu tiên NHNN kéo dài quy định này.
Tiếp tục kéo dài
Quy định này tại dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN ngày 8-12-2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.
Theo đó, cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31-12-2017.
Thông tư này được dự định sẽ thay thế Thông tư 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay bằng ngoại tệ. Trong đó có quy định cho nhóm doanh nghiệp xuất khẩu sẽ lại được vay vốn bằng ngoại tệ đến hết ngày 31-12-2016, thay cho quy định dừng vay ngoại tệ tại Thông tư 24/2015/TT-NHNN đến hết ngày 31-3-2016.
Sau những hạn mức này, các ngân hàng thương mại sẽ chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ và chuyển sang mua bán USD thuần túy trừ một số nhóm đối tượng đặc thù. Theo lý giải của NHNN, nhóm đối tượng vay ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa XK chỉ muốn vay ngoại tệ sau đó bán đi lấy tiền VND để hưởng mức chênh lệch lãi suất cao, bởi thực chất bản thân họ chỉ có nhu cầu tiền VND chứ không phải ngoại tệ.
Vào tháng 3-2016, trong một cuộc hội thảo, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, trước đây nền kinh tế còn tăng trưởng thấp, cầu về thị trường thấp nên NHNN hỗ trợ các đối tượng này được vay vốn để hưởng mức lãi suất thấp, sau đó bán lại tiền đồng đáp ứng nhu cầu vốn trong nước. Tuy nhiên, khi kinh tế phục hồi, cầu ngoại tệ tăng lên nên trong lộ trình chống “đô la hóa”, cần chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán, hơn nữa, việc điều chỉnh tỷ giá đã làm cái lợi hưởng chênh lệch lãi suất không còn nhiều.
Mặc dù vậy, lý giải của các cơ quan quản lý lại không nhận được nhiều sự đồng thuận từ phía DN. Tiêu biểu như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, nhiều nước xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam đã phá giá đồng nội tệ để thúc đẩy, giảm giá hàng xuất khẩu. Hơn nữa, việc chênh lệch đáng kể lãi suất giữa ngoại tệ và tiền đồng, tỷ giá biến động sẽ càng đẩy giá thành sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam lên cao hơn, làm giảm sức cạnh tranh…
Chính vì thế, thông tư 07/2016/TT-NHNN đã nới quy định này đến cuối năm 2016 và dự thảo lần này lại tiếp tục gia hạn thêm 1 năm với lý do thực hiện theo các mục tiêu của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Quy định thành luật?
Với việc gia hạn đi, gia hạn lại việc hạn chế cho vay ngoại tệ của NHNN, nhiều chuyên gia đã thể hiện quan điểm không đồng tình. Bởi trước đó, NHNN đã ra nhiều thông tư tương tự. Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO, NHNN cần tính toán để có sự thống nhất trong quy định, kéo dài 1-2 lần còn chấp nhận được, chứ lần lữa đến gần chục lần sẽ khiến doanh nghiệp hạ thấp ý thức tuân thủ pháp luật. Vì thế, NHNN hoặc là cấm hoàn toàn, hoặc là đưa ra lộ trình cho vay ngoại tệ trong 3-5 năm hoặc 10 năm rồi đi tới hạn chế toàn bộ.
Bên cạnh đó, Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, việc hạn chế cho vay ngoại tệ nên được quy định thành luật, nghị định thì mới phù hợp với quy luật kinh tế thị trường cũng như các quy định trong Luật Đầu tư và Bộ Luật Dân sự mới… Các bộ luật này đều cho rằng, tất cả những gì hạn chế quyền của công dân và doanh nghiệp phải được quy định rõ bằng luật. Như vậy, hạn chế cho vay ngoại tệ cũng là một hành động cấm trong kinh doanh nên phải được phân định rõ, nếu không quy định rõ nội dung thì cũng phải có ý nào đấy trong luật. Hiện NHNN vẫn đang quy định chung chung bằng thông tư nhiều năm nay nên không tạo ra sự dứt khoát, thậm chí là tuân thủ.
Mặt khác, cùng với việc phải quy định theo đúng pháp luật, nhiều chuyên gia nhận định, NHNN đã có đủ điều kiện để cấm hoàn toàn việc cho vay ngoại tệ. Bởi hiện nay, kinh tế tuy khó khăn nhưng với sự điều hành của Chính phủ, thị trường tài chính – tiền tệ vẫn khá ổn định, ngoại tệ ít biến động, NHNN đã mua vào dự trữ hơn 40 tỷ USD ngoại hối. Đặc biệt, việc duy trì chính sách cho vay ngoại tệ sẽ mâu thuẫn với chính sách lãi suất huy động USD bằng 0%/năm.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, áp trần lãi suất USD 0% là cơ chế tích cực nhằm hạn chế tâm lý găm giữ và đầu cơ ngoại tệ. Tuy nhiên, đi kèm với biện pháp này phải là không cho vay bằng USD. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp mất đi nguồn vốn lãi suất thấp, nhưng về lý thuyết, lãi suất huy động USD 0% thì cầu về USD tại các ngân hàng sẽ giảm, ngân hàng sẽ không còn USD để cho vay. Hơn nữa, sự mâu thuẫn trên còn tạo nguy cơ cho không ít ngân hàng “lách luật” để kiếm lời.
Nhìn chung, mặc dù biết các chính sách của Nhà nước đều nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng cũng phải tìm ra chính sách phù hợp với thực tế và các quy định liên quan khác. Việc cứ lần lữa mãi một chính sách hạn chế có thể sẽ trở thành “con dao hai lưỡi” nên cần sự dứt khoát và thống nhất từ cơ quan hữu quan.
Theo Hương Dịu
Báo hải quan