Mới đây, Bộ GTVT đã “dồn dập” trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương thành lập 2 Hãng hàng không mới là Vietstar Airlines và SkyViet. Trong đó, ẩn số lớn nhất được cho là Vietstar Airlines bởi hãng đã bước đầu có một số hoạt động trong lĩnh vực hàng không. Tuy vậy, dư luận cũng đang đặt ra, chỉ với số vốn 800 tỷ đồng có đủ để một hãng hàng không cất cánh?
Ảnh minh họa.
Xin lập hãng hàng không mới
Theo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT xin cho phép cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines). Vietstar Airlines sẽ tham gia thị trường hàng không trong nước với tư cách là nhà vận chuyển hành khách, hàng hóa thông dụng và cả loại hình vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam.
Trong giai đoạn 5 năm đầu hoạt động, hãng hàng không này dự kiến khai thác đội tàu bay gồm 3 chiếc Boeing 737/Airbus320. Hãng cũng đã xuất trình được thỏa thuận thuê 3 tàu bay Boeing 737 với một công ty cho thuê máy bay.
Về vốn đầu tư, báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho biết, đến ngày 31-12-2015, vốn điều lệ của công ty là 800 tỷ đồng, còn vốn góp của chủ sở hữu là 700 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 652,7 tỷ đồng. Tại thời điểm này, công ty còn thiếu 47,3 tỷ đồng so với yêu cầu vốn tối thiểu đối với hãng hàng không vận chuyển hành khách, hàng hóa quốc tế và nội địa quy định.
Thị trường mục tiêu của Vietstar Airlines là đường trục nội địa Bắc - Nam, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Ngoài ra, theo Bộ GTVT, Vietstar Airlines đã có bộ máy tổ chức khai thác tàu bay, bảo dưỡng với chức năng, nhiệm vụ cụ thể như các vị trí phụ trách khai thác, huấn luyện bay, khai thác mặt đất, đảm bảo chất lượng, an toàn - an ninh hàng không…
Mới đây nhất, Bộ GTVT tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thành lập Công ty CP hàng không VASCO, trên cơ sở tái cơ cấu lại Công ty Bay dịch vụ Hàng không (VASCO) - chi nhánh của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) thành một hãng hàng không cổ phần mang tên SkyViet.
Theo Bộ GTVT, VASCO đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp chứng chỉ khai thác tàu bay và Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (ICAO) cấp mã vận chuyển theo quy định. Và Công ty VASCO đã được Vietnam Airlines giao đội tàu bay ATR72 để khai thác, cung cấp dịch vụ vận tải hàng không đi/đến sân bay tại các địa phương chưa tiếp nhận được tàu bay phản lực thân hẹp (Côn Đảo, Cà Mau, Điện Biên, Kiên Giang).
Cuối tháng 10/2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cho phép Vietnam Airlines xây dựng Đề án thành lập hãng hàng không cổ phần trên cơ sở tổ chức lại VASCO. Ngày 30-12-2015, người đại diện phần vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines (người đại diện phần vốn) đã có Công văn xin phê duyệt chủ trương góp vốn thành lập hãng hàng không theo mô hình công ty cổ phần trên cơ sở sắp xếp lại VASCO có quy mô vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng.
Trong đó, tỷ lệ vốn góp của Vietnam Airlines là 51% vốn điều lệ bằng tài sản hiện hữu do VASCO đang quản lý và khai thác, kho phụ tùng vật tư máy bay ATR72-500, động cơ dự phòng máy bay ATR72 (99,2 tỷ đồng) và Vietnam Airlines góp thêm tiền mặt là trên 53,7 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Kỹ thương (Techcom Capital) 48% vốn điều lệ; Công ty CP Phát triển dự án Techcomdeveloper 1% vốn điều lệ.
Ngày 10/3/2016, Công ty CP Hàng không SkyViet đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Bộ GTVT cho biết, sẽ xem xét cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung cho Công ty CP Hàng không SkyViet theo đúng quy định.
Tương lai còn nhiều ẩn số
Theo tính toán của các cổ đông, Công ty CP Hàng không VASCO - SkyViet hoạt động hiệu quả, cân đối và có lãi ngay từ năm đầu, mức lợi nhuận sẽ tăng dần vào các năm tiếp theo. Hiệu quả hoạt động của công ty cả giai đoạn 2016-2018 dự kiến đạt 1,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhìn nhận về phương án kinh doanh này, Bộ GTVT không có cái nhìn khả quan như Đề án của các cổ đông.
Theo Bộ này, VASCO vốn là một đơn vị hạch toán phụ thuộc, sắp xếp lại để thành lập một công ty cổ phần độc lập với công ty mẹ về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, thời gian đầu, chắc chắn sẽ có những khó khăn nhất định.
Thị trường hàng không nội địa Việt Nam được đánh giá nằm trong Top 10 thị trường tăng trưởng mạnh trên thế giới, thậm chí giai đoạn vừa qua, hàng không tăng trưởng khá “nóng”. Tốc độ tăng trưởng bình quân các năm qua đều ở mức 20%-24%.
Trong đó, thị trường hàng không phổ thông ghi nhận sự bứt phá của Vietjet Air, chính thức cất cánh thương mại vào cuối năm 2011 và hiện đã trở thành một đối thủ khá đáng gờm với Vietnam Airlines trong vận chuyển hàng không nội địa. Tuy vậy, thị trường khàng không nội địa Việt Nam không phải lúc nào cũng toàn màu hồng.
Trước Vietjet Air thì một số hãng hàng không đã không thể cất cánh hoặc “chết yểu” khi vừa thành lập như Indochina Airlines, Air Mekong. Thậm chí, tiền thân của hãng hàng không Jetstar Pacific là Pacific Airlines sau một thời gian kinh doanh thua lỗ cũng đã bị mua bán, sáp nhập.
Các hãng hàng không nội địa dồn dập được thành lập mới sẽ mang lại cơ hội lớn cho người tiêu dùng, với sự cạnh tranh mạnh về giá vé, chất lượng dịch vụ. Song, nhiều chuyên gia cũng tỏ ra băn khoăn về tương lai của các hãng hàng không mới, khi mà số vốn điều lệ của Vietstar chỉ đạt mức tối thiểu theo quy định, thậm chí tại thời điểm kiểm tra (31/12/2015), hãng vẫn còn thiếu gần 50 tỷ đồng theo quy định.
Còn với SkyViet, số vốn điều lệ cũng khiêm tốn, kế hoạch kinh doanh ban đầu mới dựa trên việc khai thác dòng máy bay “cổ” ATR72 tại một số sân bay địa phương chưa thực sự hấp dẫn. Trong khi đó, thị trường hàng không nội địa với 3 hãng cũng đang cạnh tranh gay gắt, giải giá vé được chia nhiều phân khúc, từ 0 đồng, còn hạ tầng hàng không thì đang tắc nghẽn từ trên trời tới mặt đất. Đặc biệt, trục bay Bắc - Nam hiện đã quá tải với sự tham gia của 3 hãng nội địa, còn các trục bay nhỏ khác tần suất khai thác rất thưa về mùa thấp điểm, thậm chí một số hãng còn tạm dừng khai thác các đường bay địa phương mùa thấp điểm.
Thị trường tự “đào thải”
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, việc thành lập Hãng hàng không SkyViet chỉ là thủ tục chuyển đổi tên gọi, còn các giấy phép bay, giấy phép kinh doanh của hãng được thừa hưởng từ VASCO. Bên cạnh đó, hãng này cũng chỉ phụ trách các đường bay ngắn bằng dòng máy bay nhỏ ATR 72. Còn Vietstar Airlines cũng mới chỉ bước đầu hoạt động vận chuyển hành khách với số lượng rất nhỏ.
Theo dự đoán của ông Lại Xuân Thanh, sự tham gia của 2 hãng hàng không mới là SkyViet và Vietstar Airlines sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị phần hàng không trong 3-5 năm tới. Ông Lại Xuân Thanh nhìn nhận, đóng vai trò “anh chị cả” trong hàng không nội địa giai đoạn 3-5 năm tới vẫn là Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Liên quan đến nghi ngại của dư luận về việc vốn điều lệ khiêm tốn có gặp rủi ro, ông Lại Xuân Thanh cho rằng, số vốn điều lệ không nói lên kết quả kinh doanh của mỗi hãng và không thể là việc để đánh giá, hãng có gặp rủi ro trong kinh doanh hay không.
Tất cả các hãng hàng không khi được cấp phép thành lập đều phải đủ vốn theo quy định của Nhà nước, từ hãng nhỏ tới hãng lớn. Còn rủi ro đối với hành khách, ông Lại Xuân Thanh khẳng định, tại Việt Nam gần như không có, hành khách có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng dịch vụ của bất kỳ hãng hàng không nào.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, nhu cầu về hàng không hiện nay ở Việt Nam là có thật. Một số hãng hàng không hiện đang quá tải. Ngoài ra cũng còn nhiều khoảng trống chưa được lấp đầy giữa các khoảng nối, nhất là nội địa cũng như kết nối trong nước với thế giới.
“Trong kinh tế thị trường, việc có thêm các hãng hàng không mới sẽ góp phần gia tăng cạnh tranh, mà khi có cạnh tranh sẽ giúp phát triển tốt hơn. Càng phát triển thì càng phải có hàng không, nhất là hàng không kết nối trực tiếp. Chính vì vậy việc gia tăng số lượng các hãng hàng không là cần thiết. Tuy nhiên, Nhà nước cấp phép cũng cần dựa trên những quy hoạch cũng như tính toán, đánh giá khả thi”, TS Nguyễn Minh Phong nhận định.
Các chuyên gia cho rằng, mỗi doanh nghiệp đều phải có tính toán cụ thể trước khi đầu tư. Số tiền của doanh nghiệp bỏ ra là tiền túi của nhiều cổ đông, vì vậy chắc chắn không có chuyện làm cho vui hay nhắm mắt làm liều. Ngoài mức vốn như doanh nghiệp đã công bố, cũng chưa thể đánh giá hết tiềm lực phía sau.
Mặt khác, các doanh nghiệp hiện nay có thể không cần quá nhiều vốn mà áp dụng theo mô hình liên doanh liên kết. Hơn nữa, trong thị trường, khi đã cạnh tranh thì có doanh nghiệp sống và có doanh nghiệp phải chấp nhận rời cuộc chơi. Doanh nghiệp nào làm theo kiểu “nghệ sĩ” thì khả năng thua lỗ là khó tránh khỏi. Đây là chuyện hết sức bình thường.
(Theo Báo An ninh Thủ đô)