Dịch bệnh Covid - 19 khiến hàng không Việt Nam rơi vào khủng hoảng và dự báo càng trầm trọng hơn trong tháng 6. Các “ông lớn” ngành hàng không đang “đứng - ngồi không yên” vì mất cân đối dòng tiền.
Những dự báo nghiêm trọng
Việc đóng cửa đường bay vàng tới Trung Quốc đại lục do dịch bệnh Covid-19 đã gây thiệt hại rất lớn đối với hàng không Việt Nam. Cùng đó, thị trường nội địa Việt Nam và các thị trường hàng không khu vực khác cũng đang bị ảnh hưởng trầm trọng.
Để cứu vãn tình hình, trước mắt các hãng hàng không đua nhau giảm giá vé từ 50 - 100% trên các chặng bay trong nước và quốc tế. Cụ thể, Vietnam Airlines công bố bán vé 0 đồng - mức giá rẻ chưa từng có tiền lệ của hãng bay quốc gia, trong khi đó Vietjet cũng giảm 50% giá vé trên tất cả các chặng bay.
Ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines - thừa nhận “hiện nay hãng đang đối mặt với khủng hoảng do đại dịch Covid - 19. Tình hình dịch bệnh ảnh hưởng tới tổng thể mạng bay của Vietnam Airlines Group suy giảm trầm trọng, khách quốc tế giảm 50%, nội địa trên dưới 50%, khu vực Đông Bắc Á có thể giảm tới 70-80%...”.
Tăng trưởng hàng không Việt Nam trong năm 2020 dự báo sẽ bị âm
Chủ tịch Hãng hàng không quốc gia đưa ra dự báo dịch bệnh sẽ kéo dài tới tháng 5, vì vậy việc cắt giảm quy mô sẽ là vấn đề phải tính tới. Hãng cho biết sẽ xin giảm 50% phí cất-hạ cánh tại các sân bay và xin miễn giảm thuế môi trường trong thời gian dịch bệnh.
“Dự báo khủng hoảng sẽ lớn vào tháng 6/2020. Chúng tôi đề nghị lùi thời hạn nộp ngân sách trong thời gian dịch bệnh để hỗ trợ Vietnam Airlines trong việc cân đối dòng tiền. Nếu dịch bệnh kéo dài hơn thì sẽ mọi việc còn nghiêm trọng hơn nữa” - Chủ tịch Vietnam Airlines nhấn mạnh.
Là đơn vị trực tiếp quản lý và khai thác 21 cảng hàng không-sân bay trên cả nước, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) - cho hay: Trong năm 2020, dự kiến thị trường vận tải hàng không Việt nam sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng ở cả trong nước và quốc tế.
“Tính đến hết năm 2020, tổng sản lượng vận chuyển hành khách thông qua toàn mạng cảng ước giảm hơn 35 triệu hành khách, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh ước đạt 1.700 tỷ đồng, giảm hơn 6.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm” - Chủ tịch ACV thông tin.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết: Hàng không chịu ảnh hưởng trực tiếp và đầu tiên nhất do đại dịch Covid - 19.
Việt Nam là thị trường quan trọng của Hãng hàng không Cathay, hãng này đang các điểm khai thác giữa Hongkong - Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng
Trong bối cảnh diễn biến dịch phức tạp, Cục Hàng không xây dựng 3 kịch bản ứng phó, trong đó lựa chọn các thời điểm hết dịch là tháng 3, tháng 4 và tháng 5. Cục trưởng Cục Hàng không đưa ra tính toán: So với năm 2019, tăng trưởng hàng không Việt Nam năm 2020 có khả năng sẽ bị âm.
“Các hãng sẽ gặp nhiều khó khăn ngay cả khi hết dịch bệnh, nguy cơ không có lãi trong năm nay. Khi kết thúc dịch, sự ảnh hưởng tiếp tục tác động thêm 2-3 tháng tại các thị trường lân cận Việt Nam và 5-6 tháng ở các thị trường xa hơn” - ông Đinh Việt Thắng cho biết và thông tin hiện Cục Hàng không đang lập báo cáo để trình Chính phủ, kiến nghị các giải pháp, hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh.
Hàng không thế giới “lao dốc”
Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính dịch Covid-19 sẽ khiến các hãng hàng không thiệt hại 29 tỷ USD, chủ yếu ở thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Riêng các hãng bay Trung Quốc tổn thất khoảng 12,8 tỷ USD.
Trong ngành hàng không toàn cầu, các hãng bay Trung Quốc như China Southern, China Eastern và Air China sẽ thiệt hại nặng nề nhất.
Theo Bloomberg, mới 5 tuần trước, Trung Quốc là thị trường hàng không lớn thứ ba thế giới. Nhưng hiện tại, nước này đã tụt xuống vị trí thứ 25, xếp sau Bồ Đào Nha.
Các hãng bay Trung Quốc như China Southern, China Eastern và Air China thiệt hại nặng nề nhất thế giới vì đại dịch Covid - 19 bùng phát nghiêm trọng tại nước này
Các hãng bay bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì thị trường Trung Quốc đại lục tê liệt là Air Macau, Cathay Dragon và Thai Lion Air. Khoảng 60% công suất của các hãng hàng không này phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đại lục.
Ở Mỹ, United Airlines và Delta Air Lines là hai hãng hàng không bị ảnh hưởng đáng kể nhất bởi dịch virus corona. Tại châu Âu, ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc với các hãng hàng không có sự dao động đáng kể. Lufthansa (Đức) vận hành 73 chuyến bay tới Trung Quốc đại lục mỗi tuần.
Hãng bay Qantas - Australia cũng thông báo doanh thu sẽ sụt khoảng 100 triệu USD trong năm nay, do phải cắt giảm khoảng 16% số chuyến bay tới châu Á tính đến cuối tháng 5.
Theo Châu Như Quỳnh / dantri.com.vn