Khi dịch Covid-19 khiến nhu cầu đi lại giảm, ngành hàng không bị “tê liệt” vận chuyển hàng hóa đang là cứu cánh cho doanh nghiệp và các hãng đã nắm bắt được cơ hội này. Một số hãng hàng không Việt Nam đang hướng đến việc phát triển đội máy bay chở hàng chuyên dụng.
Trong đợt dịch Covid-19 các hãng đã tận dụng máy bay chở khách để chở hàng hóa - Ảnh: Vietnam Airlines
Hiện nay nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đang gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có hãng hàng không nào có máy bay vận chuyển hàng hóa riêng biệt.
Tại hội nghị "hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi nền kinh tế", diễn ra ngày 30-5 tại Bình Định, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết khi dịch Covid-19 xảy ra, vận chuyển hàng khách giảm, chở hàng là phương án cứu cánh cho doanh nghiệp và các hãng hàng không đã nắm lấy cơ hội đó.
Nếu dùng máy bay chở khách để chở hàng thì phải thay đổi, song sàn máy bay chở khách không đủ tải trọng. Do đó các hãng cùng Cục Hàng không nghiên cứu phương án tháo 3-4 hàng ghế thì mới chở được. "Cục Hàng không Việt Nam, luôn tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không để phục hồi sau dịch Covid-19" ông Cường nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc của Bamboo Airways cho biết, việc đẩy mạnh khai thác những chuyến bay chở hàng hoá sẽ giảm việc tàu bay nằm đất, đồng thời tối đa hoá nhân lực của các hãng.
"Vừa qua, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu như khẩu trang, đồ bảo hộ y tế từ Việt Nam tới các quốc gia tăng đột biến. Cục Hàng không đã phê duyệt cho Bamboo Airways triển khai các chuyến bay chở hàng đi quốc tế tới khắp nơi trên thế giới như Anh, Pháp, Cộng hòa Séc...” ông Thắng cho biết.
Vì vậy, Bamboo Airways sẽ phát triển những máy bay chuyên dụng chở hàng hoá và cho ra đời Bamboo Airways Cargo.
Hiện nay dù các hãng hàng không Việt Nam chưa có hãng nào có máy bay chuyên vận chuyển hàng hóa nhưng việc vận chuyển hàng hóa cùng với chở khách mỗi năm mang lại cho các hãng doanh thu đáng kể.
Đối với Vietnam Airlines, năm 2019 hãng này vận chuyển được gần 346.000 tấn hàng hóa. Năm ngoái, dù xảy ra chiến tranh thương mại nhưng chỉ tiêu vận chuyển hàng hóa của hãng vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ.
Còn với Vietjet, kết quả kinh doanh quí 4-2019 của hãng tăng trưởng một phần nhờ vào doanh thu phụ trợ như vận chuyển hàng hóa (cargo); bán hàng trên tàu bay (thức ăn, nước uống, đồ lưu niệm) và doanh thu quảng cáo. Năm 2019, doanh thu phụ trợ của hãng đạt 11.356 tỉ đồng, tăng 35,2% so với năm trước.
Điều đó cho thấy, doanh thu từ vận tải hàng hóa đối với hàng không chiếm một phần rất quan trọng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, Chính phủ hạn chế việc đi lại, rõ ràng vận tải hàng hóa đang là giải pháp cứu cánh cho các hãng hàng không trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cách đây 5 năm, hãng Vietjet cũng thành lập một công ty con là Công ty cổ phần Vietjet Cargo để chuyên vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Tuy nhiên, đến nay mảng vận chuyển hàng hóa vẫn vận chuyển chung với hành khách.
Với những động thái mới nhất của Bamboo Airways, những năm tới các hãng hàng không Việt Nam sẽ có những máy bay chở hàng riêng biệt.