Sửa đổi tiêu chí đánh giá, phân loại viên chức; Chế độ tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Tiêu chí chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; Hải Phòng được hưởng cơ chế đặc thù…là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ 1/9.
Theo quy định mới, viên chức để được đánh giá ở mức hoàn thành nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ thì không phải kèm điều kiện: có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng. |
Sửa tiêu chí đánh giá, phân loại viên chức
Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực từ 15/9/2017.
Trong đó, Nghị định số 88/2017/NĐ-CP sửa đổi tiêu chí phân loại đánh giá viên chức ở mức hoàn thành nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ theo hướng bỏ yêu cầu phải đáp ứng tiêu chí: Có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận.
Như vậy, chỉ viên chức được đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới phải đáp ứng tiêu chí về công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến như trên.
Phát sai bản tin dự báo thiên tai bị phạt tới 50 triệu đồng
Nghị định 84/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 173/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ có hiệu lực từ 10/9/2017.
Theo đó, Chính phủ quy định truyền, phát sai lệch bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn bị phạt từ 40 - 50 triệu đồng. Đồng thời, truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn chậm so với thời gian quy định cũng bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
Hải Phòng được hưởng cơ chế đặc thù
Nghị định 89/2017/NĐ-CP ngày 29/7/2017 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng có hiệu lực từ 15/9/2017.
Cơ chế đặc thù này nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của thành phố; tạo điều kiện để thành phố phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ.
Chính phủ quyết định, thành phố được vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật; vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho ngân sách địa phương vay lại.
Mức dư nợ vay (bao gồm vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật) của ngân sách thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hàng năm được Quốc hội quyết định.
Chính phủ ưu tiên hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách Trung ương cho ngân sách thành phố để tham gia thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) mang tính chất phục vụ cấp vùng trên địa bàn thành phố và các dự án lớn, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Vi phạm hành chính về thú y phạt đến 100 triệu đồng
Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực từ 15/9/2017, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thú y là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Văn phòng Chính phủ quản lý về các khiếu kiện hành chính
Nghị định 92/2017/NĐ-CP ngày 7/8/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính có hiệu lực từ ngày 25/9/2017.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/2/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.
Trong đó, về xây dựng hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm xây dựng, quản lý Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thống nhất trong toàn quốc; công bố công khai các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính đã được cấp có thẩm quyền xử lý trên Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.
Chế độ tài chính của ngân hàng nước ngoài
Nghị định 93/2017/NĐ-CP ngày 7/8/2017 quy định về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước có hiệu lực từ 25/9/2017.
Bên cạnh một số nội dung mới về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đối tượng, nguyên tắc quản lý tài chính…Nghị định cũng nêu rõ doanh thu từ hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm 7 loại thu nhập, như: Thu lãi tiền gửi, thu lãi cho vay, thu lãi từ kinh doanh, đầu tư chứng khoán nợ, thu từ nghiệp vụ bảo lãnh, thu lãi cho thuê tài chính, thu lãi từ nghiệp vụ mua bán nợ, thu khác từ hoạt động tín dụng; thu nhập từ hoạt động dịch vụ; từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng, góp vốn, chuyển nhượng…
Cũng theo Nghị định số 93/2017/NĐ-CP, các khoản thu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được xác định phù hợp với các chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan, có hóa đơn hoặc chứng từ hợp lệ và phải được hạch toán đầy đủ vào doanh thu.
Đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần
Theo Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần ngày có hiệu lực từ 1/9/2017, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển thành công ty cổ phần khi đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau:
- Tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi hoặc có khả năng tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên sau khi chuyển đổi.
- Thuộc danh mục chuyển thành công ty cổ phần theo quy định.
- Có phương án tiếp tục cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt.
Ngoài ra, một số chính sách, quy định mới về tăng chế độ, chính sách đối với tổ chức, cá nhân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; Quy định mới về tạm nhập, tái xuất hàng hóa; Quy định mới về thi thăng hạng giảng viên đại học công lập; Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (được quy định theo mục đích khai thác nước, có giá trị từ 0,1 - 2%); Cách tính, hưởng phụ cấp đặc thù, nặng nhọc cho giáo viên nghề…cũng có hiệu lực từ tháng 9/2017.
Bảo Quyên / VnEconomy