Trong thông báo hôm 9/2 (28 tháng chạp), trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM) sẽ cho sinh viên và học viên sau đại học học trực tuyến từ 22/2 đến 7/3. Riêng sinh viên khoá 2020 đang thi cuối kỳ, tiếp tục học tại trường theo kế hoạch nhưng đảm bảo nghiêm yêu cầu phòng chống dịch.
Động thái này nhằm đảm bảo tiến độ kế hoạch năm học 2020-2021 đồng thời giữ an toàn cho giảng viên, sinh viên trước Covid-19. Trước đó, trường đã cho sinh viên nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 1/2, sớm hơn dự kiến khi cả nước ghi nhận nhiều ca Covid-19 mới.
Tương tự, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cũng áp dụng dạy và học trực tuyến đối với các hệ đào tạo trong 2 tuần sau Tết Nguyên đán. Thời gian này, ban giám hiệu và bộ phận hành chính vẫn làm việc bình thường.
Tại Đại học Kinh tế TP HCM, giảng viên và người học các hệ thực hiện dạy và học online từ ngày 22 đến 27/2, tức tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết theo thời khoá biểu. Việc học được triển khai trên nền tảng LMS (giảng trực tuyến) hoặc livestream trên Facebook, Classroom (Google), Microsoft Office 365, Blue Green, Skype, Zoom Meeting...Sau thời gian này, tùy vào tình hình dịch bệnh, trường sẽ có thông báo về hình thức học tập và thi cử cho người học.
Tại trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn (Giám đốc Trung tâm tuyển sinh) cho biết trường đã lên kế hoạch dạy trực tuyến sau Tết. Trước đó, trường triển khai hình thức dạy học bày cho các môn chính trị xen kẽ với dạy tập trung để tăng khả năng tự học cho sinh viên. Với các môn lý thuyết, trường cũng dạy online với tỷ lệ khoảng 10-15% thời lượng và sau Tết sẽ được đẩy mạnh hơn.
Ở Đại học Nha Trang, TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo đại học trường này cho biết, phương án dạy online đã được thảo luận, lên kế hoạch ngay khi dịch có những diễn biến phức tạp cuối tháng 1. Trường cho sinh viên nghỉ Tết trong 3 tuần, từ ngày 1 đến 21/2, sau đó sẽ học trực tuyến 2 học kỳ sau đó bằng hệ thống E-learning và Google Meet.
Theo ông Phương, việc dạy và học trực tuyến không còn xa lạ với các trường đại học, nhất là sau một năm "sống" cùng dịch. "Với phương châm ngừng tới trường nhưng không ngừng học, kế hoạch học tập không bị thay đổi nhiều và vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo", ông Phương nói.
Các trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM triển khai dạy học trực tuyến từ ngày 22/2 cho đến khi có thông báo mới. Đại học Công nghiệp TP HCM cũng có động thái tương tự từ đầu tháng 2, cho sinh viên học trên Zoom.
Tại Hà Nội, ngày 9/2, Đại học Ngoại thương thông báo toàn bộ sinh viên tại ba cơ sở của trường ở Hà Nội, TP HCM và Quảng Ninh sẽ học trực tuyến từ 22/2 đến 7/3, tức bắt đầu ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo đó, sinh viên ở trụ sở chính Hà Nội và cơ sở Quảng Ninh sẽ học trên hệ thống LMS hoặc phần mềm TEAMS theo hướng dẫn của Trung tâm Công nghệ thông tin. Với sinh viên khoá 58, 59, trường hoãn tổ chức học Giáo dục Quốc phòng - an ninh đợt 1 (dự kiến từ 21/2 đến 18/3) đến khi có thông báo mới. Những em này sẽ tiếp tục học các học phần tín chỉ theo thời khoá biểu từ đầu học kỳ, được điều chỉnh tịnh tiến lên ba tuần. Sinh viên học quốc phòng các đợt còn lại thực hiện theo kế hoạch cũ.
Còn tại cơ sở TP HCM, Đại học Ngoại thương sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh, các thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lên kế hoạch học tập cụ thể sau.
Trước đó, Đại học Ngoại thương cho sinh viên nghỉ Tết sớm từ 29/1 đến 21/2, sớm hơn một tuần so với kế hoạch ban đầu do Covid-19 bùng phát trở lại.
Tương tự, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng tổ chức học online trong ba tuần đầu (22/2 - 13/3) sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc để phòng Covid-19. Hình thức học này được áp dụng cho sinh viên toàn khoá, kéo dài đến khi có thông báo mới.
Một trường thành viên khác của Đại học Quốc gia Hà Nội là Đại học Kinh tế cũng chuyển hình thức học sang trực tuyến cho sinh viên từ sau Tết Nguyên đán. Trường lên kế hoạch học trực tuyến từ 22/2 trên phần mềm Microsoft Teams đến khi có thông báo mới. Trước đó, trong tuần 1-5/2, Đại học Kinh tế cũng học online theo thời khoa biểu chính khoá.
Vào đầu tháng 2, các đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu điều chỉnh kế hoạch giảng dạy từ giờ đến sau Tết Tân Sửu, học trực tuyến nếu cần. Nếu không học online, các trường có thể cho học sinh nghỉ. Dù chọn phương án nào, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường phải sớm quyết định để chủ động trong việc ứng phó khi Covid-19 còn phức tạp, đồng thời hoàn thành kế hoạch năm học 2020-2021.
Do đợt dịch bùng phát từ ngày 28/1, phần lớn các đại học cho sinh viên nghỉ Tết 2-3 tuần, trường sớm nhất cho nghỉ từ ngày 1/2, muộn hơn là ngày 8/2. Tuy nhiên trước diễn biến mới của Covid-19, hầu hết đều cho sinh viên nghỉ sớm từ đầu tháng 2.
Từ ngày 28/1 đến 10/2, Bộ Y tế ghi nhận 484 ca nhiễm cộng đồng, ở 13 tỉnh thành gồm Hải Dương (327), Quảng Ninh (53), TP HCM (33), Hà Nội (28), Gia Lai (22), Bình Dương (6), Bắc Ninh (4), Điện Biên (3), Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Giang mỗi nơi 2 ca, Hải Phòng, Hà Giang mỗi nơi một ca.