Già nửa trong tổng số gần 60 dự án điện gió của cả nước tập trung ở miền Trung. Nhưng cho đến nay, tại khu vực này, chưa có dự án nào đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả. Các dự án cứ lần lượt… bay theo gió.
Những dự án để gió cuốn đi
9 năm trước, dự án điện gió đầu tiên được cấp phép đầu tư tại Quảng Ngãi, trên huyện đảo Lý Sơn. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Điện gió Lý Sơn (liên doanh của 3 công ty từ CHLB Đức). Tuy nhiên, do không thống nhất được giá điện (phía chủ đầu tư lúc đó đưa ra giá 750 đồng/kWh điện), còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ chấp nhận mua ở mức 500 đồng/kWh, nên dự án điện gió này đã… bay theo gió.
Trong khi đó, Dự án Nhà máy Điện gió Tu Bông - Khánh Hòa 1 đặt gần chân đèo Cả, thuộc khu vực Tu Bông (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) cũng gặp nhiều vướng mắc, trong đó có việc EVN không đồng ý mua điện với giá 0,05 USD/kWh, mà chỉ đồng ý mua với giá 0,04 USD/kWh (thời điểm năm 1997), nên dự án cũng bị… “cuốn theo chiều gió”.
Nhà máy điện gió Tuy Phong (Bình Thuận), một trong 3 nhà máy điện gió tại Việt Nam đã đi vào hoạt động. Ảnh: H.M
Tại tỉnh Bình Định, chính quyền địa phương đã cấp phép cho các dự án điện gió Nhơn Hội, Phương Mai 1, Phương Mai 3. Tuy nhiên, các dự án này nằm trên giấy quá lâu, nên Ban Quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội và UBND tỉnh Bình Định đành phải thu hồi. Dự án “ra đi”, để lại hậu quả là nhiều khu rừng bị chặt phá tan hoang.
Tỉnh Ninh Thuận, điểm cuối của khu vực Nam Trung Bộ, nơi được đánh giá có tiềm năng gió dồi dào cũng đã chính thức ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió Phước Dân (huyện Ninh Phước), với vốn đăng ký đầu tư gần 1.300 tỷ đồng. Dự án này do Công ty cổ phần Năng lượng Thương Tín làm chủ đầu tư. Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, không chỉ chậm tiến độ, chủ đầu tư dự án này còn thiếu quyết tâm, thiếu tinh thần hợp tác và thiếu năng lực tài chính, nên chính quyền đã ra quyết định thu hồi.
Ngược ra phía Bắc, từ năm 2011, UBND tỉnh Quảng Bình đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần Phong điện Bình Thuận về đầu tư phát triển điện gió tại Quảng Bình. Sau đó, chủ đầu tư đã trình bày phương án tư vấn, thiết kế, lập quy hoạch khảo sát các nguồn năng lượng mới, đầu tư xây dựng phát triển điện gió với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, song đến nay, dự án này không có tiến triển gì thêm.
Trong khi đó, tỉnh Quảng Trị đang triển khai 3 dự án, với tổng công suất lắp đặt dự kiến là 80 MW, gồm các nhà máy: Hướng Phùng 1, Hướng Phùng 2, Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2. Vậy nhưng, chưa ai dám chắc các dự án này sẽ hoàn thành và đóng góp vào sản lượng điện quốc gia.
Đầu tư điện gió: Không dễ
Cuối năm 2015, tại một hội thảo ở Đà Nẵng về khai thác, phát triển, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai, có 2 báo cáo mang tính biện chứng đã giúp ích không nhỏ cho các cấp quản lý nhà nước, đặc biệt các nhà đầu tư khi muốn tham gia lĩnh vực đầy tiền năng, nhưng cũng không kém phần rủi ro này.
Theo đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn, tương đương 513.360 MW, tức là gấp hơn 200 lần công suất Nhà máy Thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện năm 2020.
Thế nhưng, một báo cáo khác cho rằng, thực tế tiềm năng điện gió của Việt Nam chưa tới 2% so với dự tính của WB và không phải vùng nào cũng xây được nhà máy điện gió. Báo cáo cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư vào điện gió vì nghĩ rằng làm điện gió vừa dễ vừa lãi nhanh, nhưng thực tế không hề đơn giản như vậy.
Không những vậy, nghiên cứu tại 3 dự án điện gió đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy, chi phí xây dựng bình quân cho 1 MW điện gió là 2 triệu USD và chi phí vận hành hàng năm là 35.000 USD. Như vậy, với giá bán cho EVN hiện nay là 7,8 UScent/kWh, tuy cao hơn so với giá điện tới tay người tiêu dùng, nhưng các nhà đầu tư điện gió vẫn lỗ nặng.
Báo cáo trên cho rằng, đó là lý do, hơn một thập kỷ qua, trung bình mỗi năm có 5 - 8 dự án nhà máy điện gió được cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhưng có quá ít dự án “đậu” lại và phát huy hiệu quả.
Một tia hy vọng về khai thác năng lượng gió vừa nhen nhóm khi Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam (Trung Nam Group) đã khởi công Dự án Nhà máy Điện gió Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận, với quy mô 17 tổ máy, tổng công suất 34 MW.
Theo kế hoạch của chủ đầu tư, giai đoạn I của Dự án sẽ hoàn thành sau 1 năm xây dựng. Chính quyền địa phương, các bộ, ngành và người dân Việt Nam rất mong muốn nhà máy hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, việc khởi công chưa nói lên được điều gì. “Thực tế, có quá nhiều dự án khởi công rầm rộ với những tuyên bố hùng hồn, nhưng sau khi thu được món hời nào đó từ tài nguyên trên mặt bằng dự án, chủ đầu tư chuyển nhượng và tìm cách bỏ chạy”, một cán bộ Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) nhìn nhận.
Hà Minh / baodautu.vn