Hàng loạt ngân hàng khoe lợi nhuận "khủng" nhất từ trước đến nay
Với con số lợi nhuận lớn nhất từ trước đến nay, Vietcombank đã vượt qua BIDV hàng trăm tỷ đồng. Nhưng đây vẫn chưa phải là quán quân.
Ai đứng số 1?
Nếu lập bảng đánh giá, xếp hạng về các chỉ tiêu tài chính như quy mô tổng tài sản, vốn điều lệ, cho vay, tiền gửi hay lợi nhuận thì vị trí top đầu sẽ chỉ quanh đi quẩn lại 3 ông lớn: BIDV, VietinBank và Vietcombank. Vị trí số 1 hệ thống là ai thì thực chất cũng chỉ là cuộc chiến "so kè" của 3 nhà băng này.
Năm 2016 là năm ổn định với cả 3 nhà băng nói trên: BIDV đã nhận sáp nhập xong MHB trong năm 2015 và đây là năm đầu tiên, họ hòa nhập để nối dài cánh tay hoạt động; VietinBank vẫn chưa tiến hành nhận sáp nhập PGBank và Vietcombank vẫn thế.
Tổng kết năm 2016, Vietcombank đã công bố con số lợi nhuận trước thuế 8.212 tỷ đồng, tăng 23,4% so cùng kỳ, đạt 102,7% kế hoạch năm. Với con số lớn nhất từ trước đến nay, Vietcombank đã vượt qua BIDV xét về chỉ tiêu lợi nhuận (7.507 tỷ đồng). Nhưng đây chưa phải là quán quân.
Chỉ nhỉnh hơn 30 tỷ đồng, VietinBank đã khẽ khàng vượt qua Vietcombank để trở thành nhà băng công bố lợi nhuận ở mức cao nhất hệ thống. Năm 2016 lợi nhuận của VietinBank ước đạt 8.250 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015, hoàn thành 104% kế hoạch ĐHĐCĐ. Trước đó, BCTC 9 tháng đầu năm cho thấy, thứ tự về lợi nhuận cũng là VietinBank - Vietcombank và sau đó là BIDV.
Tuy đứng ở vị trí số 1, song riêng trong quý IV, lợi nhuận của VietinBank đạt 1.764 tỷ đồng, đây là quý ghi nhận lợi nhuận thấp nhất trong năm 2016 của VietinBank. Đây là điều hơi ngược một chút bởi hầu hết các ngân hàng đều tăng tốc vào những tháng cuối năm.
Ở nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, hiện mới chỉ có 2 ngân hàng công bố lợi nhuận. Theo kế hoạch đầu năm, TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 695 tỷ đồng, tuy nhiên 9 tháng đầu năm mới đạt một nửa kế hoạch với 354 tỷ đồng. Nhưng bằng cú lội ngược dòng cuối năm, lợi nhuận trước thuế của TPBank đã vươn lên mốc 707 tỷ đồng, tăng gần 13% so với 2015 và vượt kế hoạch đề ra. Như vậy, tính riêng kết quả lợi nhuận quý IV ngân hàng này đã lãi bằng tổng 3 quý đầu năm cộng lại.
Là một trong những ngân hàng có cùng quy mô với TPBank, VIB mới đây đã công bố lợi nhuận trước thuế năm 2016 đạt 702 tỷ, đạt 104% so với kế hoạch do ĐHĐCĐ giao từ đầu năm, cao hơn 7% so với năm 2015.
Một số cái tên đáng chú ý trong thời gian gần đây có sức bật khá tốt là Techcombank và VPBank hiện vẫn chưa công bố con số về lợi nhuận song với kết quả 9 tháng đầu năm của 2 nhà băng này cho thấy họ hoàn toàn có thể vượt kế hoạch đề ra.
Hàng loạt tin tốt đầu năm
Bên cạnh bức tranh lợi nhuận ngân hàng có phần sáng sủa hơn trong năm qua, năm 2017 được dự báo sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn. Trong đó, sẽ diễn ra làn sóng các ngân hàng niêm yết. Theo quy định của Thông tư 180/2015/TT-BTC, trong vòng 1 năm kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành, các công ty đại chúng phải hoàn tất thủ tục đăng ký trên hệ thống Upcom. Theo đó, dự kiến số lượng các ngân hàng niêm yết sẽ được gia tăng đáng kể. Mới đây, ngày 9/1/2017, hơn 564 triệu cổ phiếu của VIB với mã chứng khoán VIB đã chính thức giao dịch trên UPCoM.
Nhiều ngân hàng khác cũng có động thái chuẩn bị lên sàn như: VPBank, Techcombank đã được VSD chấp thuận cấp mã chứng khoán và lưu ký chứng khoán. KienlongBank chốt danh sách cổ đông làm thủ tục đăng ký tại VSD và giao dịch Upcom còn OCB thông qua HĐQT về đăng ký chứng khoán tại VSD và giao dịch Upcom; Maritime Bank có thông báo chốt danh sách cổ đông để lưu ký chứng khoán...
Việc nhiều ngân hàng niêm yết trong năm tới được xem là tích cực bởi sẽ giúp minh bạch hóa hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung. Mặt khác, giúp cho các nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn về cổ phiếu ngân hàng.
Hơn nữa, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết trong năm nay, việc tái cơ cấu ngân hàng sẽ phải thực hiện quyết liệt hơn, đặc biệt cần có khuôn khổ pháp lý để xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng. NHNN sẽ kiên quyết và mạnh dạn kiến nghị đưa thêm các quy định vào luật nhằm khắt khe, chặt chẽ hơn đến vấn đề sở hữu cổ phần ngân hàng. Cá nhân nào vi phạm pháp luật vĩnh viễn không được tham gia điều hành quản trị ngân hàng, các quy định này NHNN sẽ kiên quyết đưa vào luật. Thông tin liên quan các nhóm quản trị sẽ phải được công khai ra thị trường.
Ngoài ra, năm 2017, cơ quan điều hành và các ngân hàng sẽ tập trung rốt ráo xử lý nợ xấu. Ngân hàng Vietcombank và VietinBank vừa công bố sẽ mua lại toàn bộ khoản nợ đã bán cho VAMC bằng nguồn lực của ngân hàng. Đây được xem là dấu hiệu khả quan từ việc tự xử lý nợ xấu của các ngân hàng. Việc các nhà băng này mua lại nợ xấu VAMC sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường, họ sẽ tự xử lý số nợ xấu này bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Khi nợ xấu được thu hồi sẽ góp phần nâng cao năng lực tài chính cho ngân hàng, từ đó, sẽ có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu vay vốn.
Kim Tiền
Theo Trí thức trẻ