Trong thời gian gần đây, khá nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đang hoạt động tại Việt Nam đã có động thái thu hẹp hoạt động, hoặc rút vốn khỏi một ngân hàng nội. Vậy, chuyện gì đang xảy ra với hoạt động kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam?
Ảnh minh họa. |
Hàng loạt ngân hàng ngoại muốn thu hẹp hoạt động, rút vốn
Mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa công bố nhận chuyển giao toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Toàn bộ cuộc chuyển giao dự kiến sẽ được hoàn tất trong quý III năm nay.
Được biết, CBA Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh bắt đầu hoạt động vào năm 2008. Hai năm sau, ngân hàng mẹ CBA đã đầu tư vào VIB với phần vốn góp 15% và sau đó nâng tỷ lệ lên 20%. Hiện CBA là nhà đầu tư chiến lược và cổ đông lớn nhất của VIB. Ngân hàng đến từ Úc cũng đang giữ 2 ghế trong HĐQT và 1 ghế trong BKS của VIB.
Như vậy, sau gần chục năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, CBA đã bắt đầu có động thái chuyển giao. Theo một số chuyên gia, về bản chất, đây là sự thu hẹp hoạt động tại Việt Nam của ngân hàng.
Dù không diễn ra rầm rộ nhưng có thể thấy, trong thời gian gần đây, khá nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đang hoạt động tại Việt Nam cũng đang có những động thái tương tự.
Hồi giữa tháng 6 vừa qua, trên trang web chính thức, Techcombank đã có thông báo về việc xin ý kiến cổ đông thông qua đề xuất mua lại 19,41% vốn mà HSBC nắm giữ sau 12 năm gắn bó.
Với mức giá mua đề xuất không thấp hơn 23.455 đồng/cổ phần, ước tính giá trị thương vụ sẽ lên đến hơn 4 nghìn tỷ đồng.
Việc thoái vốn của HSBC được dự báo sẽ gây áp lực cho Techcombank tìm đối tác có đủ tiềm năng để bán lại số cổ phần này, cũng như khiến ngân hàng phải hoãn kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức 8.878 tỷ đồng lên mức 14.000 tỷ đồng trong năm 2017.
Trước đó hai tháng, ngân hàng ANZ Việt Nam ra thông cáo cho biết đã bán toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho một đối tác nước ngoài là ngân hàng Shinhan Việt Nam.
Thỏa thuận với ngân hàng Shinhan Việt Nam bao gồm chuyển giao 8 chi nhánh và phòng giao dịch của ANZ Việt nam tại Hà Nội và Tp.HCM, cũng như nhân viên khối dịch vụ ngân hàng bán lẻ.
Phụ thuộc vào sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền, ANZ dự kiến cuộc chuyển giao mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ cho ngân hàng Shinhan Việt Nam sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2017.
Trước đó, hồi cuối tháng 3/2016, “ông lớn” Standard Chartered cũng đã gây xôn xao thị trường khi bất ngờ rút hai đại diện của mình khỏi ACB. Và tại ĐHĐCĐ thường niên ACB năm 2017 tổ chức hồi tháng 4 mới đây, phía Standard Chartered cũng đã xác nhận kế hoạch thoái vốn đang trong tiến trình thảo luận. Theo quy định, nhà đầu tư tổ chức là nước ngoài muốn rút ra khỏi ngân hàng Việt Nam thì phải rút khỏi HĐQT 18 tháng trước ngày chuyển nhượng cổ phần.
Vì sao?
Việc hàng loạt các “ông lớn” trong ngành tài chính thế giới muốn rút vốn khỏi ngân hàng Việt sau một thời gian hợp tác chỉ là do sự thay đổi về chiến lược kinh doanh hay là một điềm báo gì khác về môi trường kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam?
Trao đổi với phóng viên BizLIVE, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là một xu hướng đáng lo ngại, cho thấy thị trường tài chính Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro và không mang lại lợi nhuận kỳ vọng cho các nhà đầu tư ngoại.
“Ngược với một số chuyên gia nhận định đây là một trường hợp riêng lẻ, tôi cho rằng đây là một động thái mang tính chất xu hướng. Và việc ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là ngân hàng phương Tây dần dần rút khỏi Việt Nam là một xu hướng đáng lo ngại”, ông Hiếu nói.
“Ngành ngân hàng Việt Nam trước đây từng là một địa chỉ hấp dẫn. Cách đây hơn 20 năm khi tôi mới về Việt Nam, có một làn sóng ngân hàng nước ngoài đổ về Việt Nam hoạt động dưới hình thức các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các văn phòng đại diện, sau đó thì có các ngân hàng 100% vốn nước ngoài được mở. Nhưng khoảng hơn 5 năm trở lại đây đã có hiện tượng ngân hàng nước ngoài dần dần rút vốn đầu tư khỏi các ngân hàng trong nước, nhường lại cổ phần cho nhà đầu tư trong nước hoặc các ngân hàng châu Á từ Hàn quốc, Singapore, Nhật Bản. Có lẽ các ngân hàng phương Tây đang dần thấy hoạt động kinh doanh ngân hàng Việt Nam có quá nhiều rủi ro và không tạo lợi nhuận trong khi có rất nhiều thị trường béo bở khác thu hút dòng vốn của họ”, chuyên gia nhận định.
Theo nhận định của TS. Hiếu, một loạt các vấn đề như tỷ lệ nợ xấu lớn, quả trị rủi ro nhiều thiếu sót trong khi quản trị doanh nghiệp còn hạn chế là những nguyên nhân chính làm giảm tính hấp dẫn của các ngân hàng Việt.
“Đối với các ngân hàng ngoại, quy trình quản trị doanh nghiệp như thế nào rất quan trọng. Họ đã quen với việc quản trị theo chuẩn mực quốc tế trong khi ngân hàng Việt lại thường điều hành theo kiểu “gia đình”, được điều hành bởi những cổ đông lớn. Tôi cho rằng, xu hướng này có lẽ sẽ còn tiếp tục trong những năm tới cho tới khi nào vấn đề xử lý nợ xấu có những điều kiện tích cực, quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp được cải thiện”, ông Hiếu nói.
Trần Thúy / BizLIVE