Cá tra, điêu hồng và nhiều thuỷ sản ở đồng bằng sông Cửu Long bị ùn ứ trong khi giá gà ở Tây Ninh, Đồng Nai đang rớt thảm vẫn không có người mua.
Tại cuộc họp chiều 31/7, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, khảo sát thực tế các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy lượng hàng thủy sản cung vượt rất xa cầu. Nổi trội là tỉnh Tiền Giang, các doanh nghiệp không mua cá tra, cá điêu hồng ngày 30/7 nên lượng hàng dư thừa nhiều. Nguyên nhân là tỉnh này thông báo các doanh nghiệp đang thực hiện "ba tại chỗ" phải ngưng hoạt động để ngừa Covid-19.
Trang trại nuôi gà phía Nam. Ảnh: Thu Hà.
Bà Trương Thị Lê Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang cho biết, với quy định ngưng sản xuất đột ngột của UBND Tiền Giang đã khiến cá tra đang ùn ứ ở các ao nuôi. Nếu tình hình này kéo dài, doanh nghiệp không đáp ứng đơn hàng và người nuôi sẽ chịu thiệt hại nặng.
Đồng quan điểm, Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn cũng cho rằng chính quyền nên rà soát sớm để cho doanh nghiệp có các biện pháp kiểm soát tốt được hoạt động trở lại.
Ngoài Tiền Giang, tại Tây Ninh, nhiều sản phẩm cũng đang ùn ứ khi TP HCM, TP Cần Thơ giãn cách. Hiện, Tây Ninh có một triệu con gà giá chỉ 7.000 đồng một kg nhưng không tiêu thụ được.
Cũng đang gặp khó, ông Lê Văn Quyết, Chủ Hợp tác xã Công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai) cho biết, không chỉ các tỉnh miền tây bị ùn ứ gà mà tại Đồng Nai, gà ở trang trại không thể xuất ra ngoài do nhiều cơ sở giết mổ nhiễm Covid-19. Do đó, giá gà lông trắng đang rớt thê thảm, thậm chí chỉ còn 6.000 đồng một kg. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, sau dịch người dân khó có thể tái sản xuất trở lại do thua lỗ nặng.
Thừa nhận, đang có khoảng 7-8 triệu con gà chưa thể bán ra thị trường, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) cho rằng, nếu không kết nối lưu thông và mở lại cơ sở giết mổ, nhiều doanh nghiệp phá sản. Do đó, ông Sơn đề nghị cần hỗ trợ tiêm vaccine có các cơ sở giết mổ và hỗ trợ họ đảm bảo chống dịch hiệu quả và có thể sớm mở cửa trở lại.
Song song với thuỷ sản, gia cầm, mặt hàng cây ăn quả phía Nam cũng đang ùn ứ. Với trái nhãn sản xuất ở những vùng tập trung diện tích lớn 300-500 ha ở miền Tây đã bắt đầu tiêu thụ và có doanh nghiệp đến mua. Ngược lại, các vùng sản xuất nhãn không tập trung cũng khó tiêu thụ.
Để tránh ùn ứ, tổ công tác cam kết làm đầu mối kết nối giữa người dân và các doanh nghiệp, hệ thống phân phối đẩy mạnh thu mua nông thuỷ sản để giảm ách tắc. Với các doanh nghiệp sản xuất thuỷ sản, Tổ công tác cũng sẽ đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn quy trình để khi được hoạt động trở lại, doanh nghiệp sẽ làm tốt hơn công tác phòng chống Covid-19. Đặc biệt, với 2 doanh nghiệp thuỷ sản lớn là Vạn Đức Tiền Giang và Vĩnh Hoàn khi gặp khó khăn có thể liên hệ trực tiếp với tổ công tác để được hỗ trợ và kết nối với Bộ Y tế.
Với gia cầm, tổ công tác cho biết đang rất quan tâm với các cơ sở giết mổ và sẽ đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh thành phía Nam rà soát hỗ trợ. Nếu các Sở gặp khó khăn có thể liên hệ tổ công tác để được hướng dẫn.
Báo cáo của Tổ công tác 970 cho thấy, đến ngày 30/7, 537 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ Công tác 970. Cũng trong ngày 30/7, họ đã kết nối tiêu thụ được với 2 công ty lớn mua lúa hè thu cho các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Sóc Trăng.
Trước đó, vào ngày 28/7, Tổ công tác 970 của Bộ đã ra mắt trang thông tin đăng ký kết nối cung cầu nông sản và hàng hóa các tỉnh phía Nam. Đến trưa 31/7, trang thông tin https://htx.cooplink.com.vn/ có khoảng 600 danh mục đăng ký.