Trước sự đổ bộ của hàng loạt thương hiệu thời trang bình dân nổi tiếng vào thị trường Việt Nam, thời trang Việt non trẻ đối mặt nhiều thách thức
Thương hiệu thời trang Zara (Tây Ban Nha) khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam hôm 8-9 vừa qua đã tạo nên hiện tượng mua sắm trong cộng đồng các tín đồ thời trang. Doanh thu của sự kiện này đạt 5,5 tỉ đồng, phá vỡ kỷ lục cửa hàng Zara có doanh thu ngày khai trương cao nhất trên toàn thế giới.
Mất dần phân khúc thời trang bình dân
Hình ảnh nhiều người tấp nập xếp hàng ở quầy tính tiền trong ngày khai trương cửa hàng Zara phần nào chứng minh nhãn hàng thời trang này được người tiêu dùng Việt rất ưa chuộng.
Ra mắt bộ sưu tập mới của nhà thiết kế Ngọc Hân Ảnh: MINH TÚ
“Giá cả của Zara hợp lý, không rẻ cũng không mắc. So với mẫu thời trang của nhiều thương hiệu Việt Nam, giá cả của Zara gần như ngang nhau hoặc chênh lệch không nhiều. Bỏ thêm 30% số tiền để mua chất lượng và thương hiệu như Zara thì quá hợp lý” - chia sẻ của một khách hàng trên diễn đàn thời trang nhận được sự đồng tình của nhiều người, cả những nhà chuyên môn.
“Sản phẩm của Zara có giá phải chăng so với nhiều nhãn hàng trong nước, mẫu mã rất thời thượng xu hướng, chất liệu vải cũng tốt” - nhà thiết kế Trọng Nguyên đánh giá. Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, đây chính là lý do mà thời trang Việt đang đối diện những thách thức lớn khi các thương hiệu thời trang bình dân của nước ngoài đang đổ bộ vào nước ta.
Sau Zara, có khả năng thương hiệu thời trang giá rẻ H&M chuẩn bị có mặt tại Việt Nam với 2 cửa hàng kinh doanh bán lẻ đầu tiên ở TP HCM và Hà Nội. Việc giọng ca nhạc rap Suboi của Việt Nam trở thành gương mặt đại diện cho nhãn hàng H&M không hẳn là tình cờ. Giới chuyên môn cho rằng Suboi được mời chụp ảnh quảng cáo cho H&M là bước chuẩn bị của thương hiệu thời trang này đến Việt Nam, trễ nhất là đầu năm 2017.
Dù không náo nhiệt như 2 “ông lớn” Zara và H&M nhưng việc thương hiệu thời trang giá rẻ Forever 21 (F21) sẽ có mặt tại Việt Nam trong năm nay chắc hẳn cũng tạo nên cơn sốt ở người tiêu dùng.
Thành công của Zara trong ngày đầu khai trương tại Việt Nam sẽ khiến Tập đoàn thời trang Inditex của Tây Ban Nha - đơn vị sở hữu Zara, Bershka, Pull & Bear, Stradivarius, Massimo Dutti, Oysho... - nghĩ đến việc đưa các nhãn hàng còn lại của mình đến thị trường Việt Nam. Đây là cách mà họ phân phối những nhãn hàng bán lẻ của mình tại các thị trường khác trên khắp thế giới lâu nay. Do đó, sắp tới, Việt Nam sẽ tràn ngập các sản phẩm của những thương hiệu thời trang nổi tiếng giá rẻ.
Cuộc chiến không cân sức
“Đó là một cuộc chiến không cân sức giữa các thương hiệu thời trang nước ngoài với trong nước” - nhà thiết kế Minh Hạnh nhận định. Điều này cũng dễ hiểu bởi các nhãn hàng thời trang bán lẻ của nước ngoài vào Việt Nam đã có lịch sử xây dựng thương hiệu đáng nể. Trong khi đó, các thương hiệu thời trang Việt chỉ mới thành hình. Thậm chí, dòng thời trang Ready to Wear (sản phẩm dành cho thị trường) theo nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng ở nước ta xuất hiện không lâu, khoảng chục năm nay.
Thực tế, thời trang Việt trên thị trường đang có những bước tiến mạnh mẽ, làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt thời trang nội địa thông qua các sản phẩm ứng dụng đa dạng, có chất lượng và bắt mắt. Tuy nhiên, thời trang Việt vẫn chưa chiếm lĩnh được thị phần sản phẩm bình dân, ngay trên sân nhà. Các nhà thiết kế Việt lâu nay cũng chỉ dừng lại ở mức khai thác mang tính quy mô nhỏ lẻ, nhắm đến nhóm đối tượng người tiêu dùng nhỏ, hạn hẹp của riêng họ. Mỗi nhà thiết kế đều chú trọng đến những phong cách riêng và đối tượng người tiêu dùng phù hợp với cá tính thiết kế của họ là chính.
Vì vậy, nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng sự đổ bộ của các nhãn hàng thời trang bình dân nổi tiếng vào thị trường bán lẻ Việt Nam đang là thách thức lớn cho các nhãn hàng nội vốn theo đuổi xu hướng chung - tức chạy theo thị trường và hầu như không có dấu ấn, cá tính riêng của nhà thiết kế trong sản phẩm.
Với cam kết mỗi tuần sẽ cập nhật mẫu mã mới nhất, Zara chinh phục khách hàng khắp thế giới bởi chính sự nhanh nhạy về tính xu hướng. Vậy nên, giá của sản phẩm Zara khi đến tay khách hàng Việt dù không hề thấp so với các thị trường khác trên thế giới nhưng vẫn có sức hút đặc biệt bởi mẫu mã luôn mới.
Nhà thiết kế Công Trí lo ngại: “Dù Kin Concept của Việt Nam đang có đối tượng khách hàng riêng nhưng nếu không có những thay đổi vượt bậc về mẫu mã, nhãn hàng thời trang này cũng sẽ phải đối mặt với cái “chết” được báo trước”. Chưa kể, thời gian qua, không ít sản phẩm thời trang Việt ra mắt chỉ là bản “nhái” của các thương hiệu thời trang giá rẻ thế giới. Khi bản gốc chính thức có mặt tại thị trường Việt, bản “nhái” không còn đất sống là điều tất nhiên. Giới thời trang nhận định rằng cuộc chiến cạnh tranh về giá cả, chất lượng và mẫu mã giữa các thương hiệu thời trang giá rẻ bắt đầu gay cấn. Dù vậy, đó là điều cần thiết cho sự phát triển của thời trang Việt Nam.
Ra mắt 1.000 mẫu thời trang xuân hè 1.000 mẫu thiết kế thời trang của 24 nhà thiết kế Việt Nam sẽ được giới thiệu tại Tuần lễ Thời trang Việt Nam xuân hè 2017, diễn ra trong 4 đêm, từ 29-9 đến 2-10, ở Hà Nội - 3 đêm Ready to Wear (thời trang dành cho thị trường) và 1 đêm Haute Couture (thời trang cao cấp). Ngoài các nhà thiết kế Việt, chương trình còn có sự tham gia của 1 nhà thiết kế đến từ Malaysia và 2 nhà thiết kế đến từ Ý theo lời mời của Hội đồng Thời trang Ý - Việt. “Đó cũng là quy luật trong sự chuyển động tích cực của thời trang thế giới và chiến lược phát triển của thời trang Việt Nam. Những sáng tạo không ngừng chính là ý chí của các nhà thiết kế dành cho thị trường nội địa. Mỗi mùa xuân - hè, thu - đông qua đi, thị trường thời trang Việt Nam lại đón nhận những luồng gió mới từ những sáng tạo độc đáo. Ngày nay, thời trang đã trở thành một trong những nhu cầu không thể thiếu của cuộc sống” - nhà thiết kế Minh Hạnh nhìn nhận. |
Thùy Trang / nld