Với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng vừa được tiếng hào phóng với cổ đông, vừa có thể làm giàu thanh khoản.
Lợi nhuận cao, được cơ quan quản lý bật đèn xanh, lại được cổ đông chấp thuận, nhà băng tranh thủ tận dụng thời cơ để tăng vốn. Với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng vừa được tiếng hào phóng với cổ đông, vừa có thể làm giàu thanh khoản.
BIDV vừa thông qua kế hoạch chia cổ tức 12,2% bằng cổ phiếu. Ảnh: Đ.T
Lãi lớn, ngân hàng rầm rộ chia cổ tức khủng
Kế hoạch chia cổ tức vừa được hàng loạt ngân hàng TMCP công bố trước thềm mùa họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ). Lãi lớn, nhiều ngân hàng công bố mức chi trả cổ tức khủng cho cổ đông. Thế nhưng, cũng không khác các năm trước, năm nay, hầu hết cổ đông ngân hàng vẫn nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Đứng đầu về mức chi trả cổ tức năm nay là VIB. Theo kế hoạch, tại cuộc họp ĐHĐCĐ diễn ra vào ngày 24/3, lãnh đạo ngân hàng này sẽ trình cổ đông phương án chia cổ phiếu thưởng 40% từ nguồn vốn chủ sở hữu. Đây là năm thứ hai, ngân hàng này không chia cổ tức tiền mặt.
Ngoài VIB, một loạt ngân hàng khác cũng dự định chia cổ tức năm 2020 vô cùng hào phóng: MSB dự định chia cổ tức tối đa 30% cho năm 2020, ít nhất 15% năm 2021 (trả vào năm 2022); OCB chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%; ACB cũng chia cổ tức 25% cho cả năm 2020 và 2021; SHB chi trả cổ tức 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020…
Trước đó, trong mùa họp ĐHĐCĐ năm 2020, HDBank tuyên bố chi trả cổ tức năm 2019 với mức chi 65%, gồm 50% cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ phiếu thưởng.
Khối ngân hàng TMCP có vốn nhà nước chi trả cổ tức ở mức thấp hơn. Năm ngoái, cả VietinBank, BIDV và Vietcombank đều phải chia cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, năm nay, khả năng các ngân hàng này sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu. Cuộc họp ĐHĐCĐ của BIDV vừa thông qua kế hoạch chia cổ tức 12,2% bằng cổ phiếu (5,2% năm 2019 và 7% năm 2020).
Tương tự, Vietcombank nhiều khả năng cũng sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ năm 2021-2022 thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trong khi đó, VietinBank đang “nợ” cổ đông cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 28,8%. Chưa rõ mức cổ tức năm 2020 của ngân hàng này là bao nhiêu, song khả năng vẫn bằng cổ phiếu, nếu không bị cơ quan quản lý yêu cầu phải chi cổ tức tiền mặt.
Như vậy, đến thời điểm này, hầu như chưa có ngân hàng nào thông báo chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt. Lý giải việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho rằng, ngân hàng có lãi, chia cổ tức cho cổ đông là đương nhiên. Tuy nhiên, chia cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu sẽ tùy vào từng năm để mang lại kết quả tốt nhất cho ngân hàng.
Tương tự, lãnh đạo VIB và SHB cũng cho biết, chia cổ tức bằng cổ phiếu là để nâng cao năng lực tài chính, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo tối ưu cho sự tăng trưởng trong những năm tới.
Ngân hàng vẫn khát vốn, cổ đông sẽ còn dài cổ đợi cổ tức tiền mặt
Năm ngoái, trong chỉ thị ban hành đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng tạm không chia cổ tức tiền mặt để tập trung giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Trong chỉ thị ban hành đầu năm nay, vấn đề này không được NHNN đề cập, song chia cổ tức bằng cổ phiếu vẫn là ưu tiên số 1 của các ngân hàng.
Lý do là, hiện nay, 70-90% thu nhập của các ngân hàng vẫn đến từ tín dụng. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng như vậy, để duy trì được hệ số CAR ở mức hiện tại, các ngân hàng phải tăng vốn ở tốc độ tương tự. Đây là lý do, dù lãi lớn, ngân hàng vẫn phải mạnh tay chia cổ tức.
Tuy vậy, khác các năm trước, năm nay, ngân hàng có nhiều thuận lợi để thuyết phục cổ đông “gật đầu” chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Lý do là, năm nay, lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng khá khả quan, thị trường chứng khoán và giá cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tốt hơn, nên chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ khiến cổ đông hài lòng.
“Tất nhiên, giai đoạn khó khăn này, các cổ đông vẫn thích nhận được cổ tức bằng tiền mặt hơn. Nhưng giá cổ phiếu ngân hàng tăng khá tích cực, khoản đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng thời gian qua sinh lời khá tốt, nên họ cũng không phàn nàn gì về việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu”, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định.
Trong khi đó, theo các công ty chứng khoán, không chỉ cổ tức năm 2020, mà cả năm 2021, nhiều ngân hàng sẽ vẫn tiếp tục chi trả bằng cổ phiếu, do áp lực tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR. Năm 2021, dự báo nền kinh tế bắt đầu phục hồi, ngân hàng nào có nền tảng càng vững sẽ càng có cơ hội bứt phá.
Năm nay, các ngân hàng sẽ thuận lợi hơn trong việc xin ý kiến cổ đông về việc giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Hiện nay, nhà đầu tư đã am hiểu hơn và nhận thức được rằng, tăng vốn là vấn đề cấp thiết để tăng cường năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh của ngân hàng trong bối cảnh kinh doanh ngày càng biến động. Tuy vậy, về lâu dài, để giữ chân các cổ đông, khách hàng, ngân hàng nên hài hòa lợi ích cả hai bên. Quan trọng nữa là, các ngân hàng phải giải trình kế hoạch, chiến lược kinh doanh rõ ràng, minh bạch để mang tính thuyết phục cao hơn với các cổ đông. TS. Võ trí Thành, chuyên gia kinh tế |