Những tiếng đập đất liên hồi bằng những bàn tay khỏe mạnh xen lẫn những tiếng nổ vang khiến người xung quanh giật mình; những tiếng cười sảng khoái; những khuôn mặt hồi hộp khi pháo đất chuẩn bị nổ; những khuôn mặt thất vọng khi pháo hỏng; những hình dáng đứng tấn cho pháo rơi… là tất cả những gì làm nên sự hấp dẫn của lễ hội pháo đất ở đình Cựu Đôi, thị trấn Tiên Lãng, Hải Phòng.
Đại diện Ban Tổ chức lễ hội pháo đất huyện Tiên Lãng cho biết, để làm được pháo đất phục vụ cho lễ hội rất kỳ công. Người ta phải lấy đất từ đáy sông phơi cho se mặt, rồi nhào đến khi nó dẻo lại như kẹo, từ màu đen chuyển sang màu hồng mịn óng như sáp thì chuyển nặn thành hình khối có miệng hình tròn hay hình chữ nhật.
Mọi người đều có thể tham gia đánh pháo, nhưng phần đông là những chàng trai khỏe mạnh và Ban Tổ chức chia những người dự thi thành nhiều “cỗ pháo”. Mỗi cỗ pháo gồm ba đến bốn người, được nhận từ 25-30kg đất để thi làm pháo nhanh. Đất được dàn ra, lên khuôn. Đầu tiên làm cánh pháo, sau đó bấu “mép” - chỗ mỏng nhất ở cánh pháo - để khi tung cánh pháo sẽ mở ra.
Vào cuộc thi, ông quản pháo thúc một hồi trống, các cỗ pháo lần lượt tiến ra sân bãi bằng phẳng, rắn chắc giữa tiếng reo hò của người xem. Mỗi cỗ chọn một người khỏe mạnh nhất vào thi, số người còn lại đứng cạnh để nâng pháo. Đầu tiên thì tung pháo, người dự thi nhận pháo của bạn củng cố, nâng pháo lên ngang mặt rồi xoay mạnh hai tay để tung pháo lên, sao cho càng cao càng tốt và pháo không bị chao đảo.
Người dự thi nâng pháo lên ngang ngực, đập úp thật nhanh quả pháo xuống mặt đất, miệng pháo rơi nhanh, mạnh xuống mặt bãi bằng phẳng rắn chắc, phát ra tiếng nổ rất to.
Khi tung pháo lên hoặc đập úp pháo xuống, cánh pháo làm bằng đất mềm theo thành pháo vỡ toang và mở ra theo chiều dài thường trên dưới một mét, có khi dài tới hai mét, xoắn lại nằm vắt ngang thân pháo. Pháo nổ càng to cánh pháo càng mở dài, càng nói lên sức khỏe, nghệ thuật cao của người đánh pháo và kỹ thuật giỏi của người làm pháo.
Thông thường, các dòng họ trong làng, trong xã, trong huyện thi đấu với nhau trong vòng 10 hiệp. Bên nào nhiều pháo nổ hơn trong 1 hiệp thì thắng trong một hiệp. Nếu hai bên hòa nhau trong 10 hiệp thì sẽ phải thi đấu thêm hiệp nữa. Bên nào thắng hiệp phụ sẽ giành chiến thắng.
Hàng năm, lễ hội diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch thì kết thúc. Người dân lại quay trở về với đồng ruộng và chơi pháo đất mỗi buổi chiều ở đình làng.
Sông Thu – Sông Chanh
baocongthuong.com.vn