Từ một loại hình nghệ thuật có nguy cơ bị mai một; giờ đây hát xoan đã thực sự hồi sinh, lan tỏa và có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng.
Thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống, giữ gìn điệu hát Xoan |
Di sản đặc trưng
Hát xoan là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương. Đây là loại hình dân ca lễ nghi phong tục, hát cửa đình. Các làn điệu xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Gốc của hát xoan ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Bốn phường xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở 2 xã Kim Đức và Phương Lâu (Phú Thọ).
Hát xoan hội tụ đa yếu tố nghệ thuật, là ca nhạc biểu diễn với đầy đủ các dạng thức nhạc hát: Hát nói, hát ngâm, ngâm thơ và ca khúc; có đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đan xen, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp. Về sắc thái âm nhạc, nhạc xoan vừa có những giọng nghiêm trang, thong thả vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, lại có những giọng duyên dáng, trữ tình.
Trong hát xoan, múa và hát luôn đi cùng và kết hợp với nhau, dùng điệu múa minh họa nội dung cho lời ca. Sức sống của hát xoan chính là ở sự kết hợp của loại hình hát lễ nghi với hát giao duyên, tồn tại lâu dài và được nhiều thế hệ yêu thích.
Hồi sinh một làn điệu cổ
Chính thức được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp từ ngày 24/11/2011, hát xoan Phú Thọ đã được bảo tồn và phát huy bài bản, hiệu quả. Từ một loại hình nghệ thuật có nguy cơ bị mai một, giờ hát xoan đã thực sự hồi sinh, lan tỏa và có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng. Bắt đầu từ việc kiểm kê với sự tham gia của cộng đồng, nhận diện những bài bản cốt lõi của hát xoan, hỗ trợ khẩn cấp và củng cố 4 phường xoan gốc, tỉnh Phú Thọ đã phát triển công tác bảo tồn sang tổ chức truyền dạy, đào tạo lớp nghệ nhân mới, đưa hát xoan vào trường học.
Cùng với sự biến chuyển về nhận thức, sự phục hồi hát xoan mở rộng dần. Nếu năm 2010 chỉ có khoảng 13 câu lạc bộ của những người yêu thích xoan với tổng số 298 thành viên thì đến năm 2015, Phú Thọ đã có hơn 30 câu lạc bộ xoan với 1.103 thành viên. Ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ - cho biết: Dù có lúc thịnh, lúc suy, lúc đứng trước nguy cơ mai một, có khi lại cần phải bảo vệ khẩn cấp nhưng hát xoan Phú Thọ chưa bao giờ mất đi. Từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân cao niên có thể diễn xướng, truyền dạy xoan cổ thì nay hát xoan Phú Thọ đã có lực lượng nghệ nhân kế cận đông đảo với 62 người có thể diễn xướng và truyền dạy các làn điệu xoan cổ. Thậm chí, hiện đã hình thành ba thế hệ hát xoan là: Các nghệ nhân cao niên, các nghệ nhân kế cận và đông đảo thế hệ trẻ đầy triển vọng.
Đặc biệt, tỉnh Phú Thọ đã tiên phong trong việc xây dựng đề án bảo tồn hát xoan, đề ra và thực hiện chính sách tôn vinh và hỗ trợ nghệ nhân ở các phường xoan trên địa bàn ngay sau khi di sản được vinh danh. Điều này có ý nghĩa khích lệ to lớn đối với nghệ nhân hát xoan, đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho nhà nước ban hành các chính sách, phê duyệt các đề án, dự án bảo vệ, đưa hát xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm các thủ tục cần thiết để gửi hồ sơ tới Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét đưa hát xoan vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trước ngày 31/3/2016. |